Nâng cao năng lực tiếp cận thông tin cho hộ nghèo ở vùng cao
Việc bảo đảm người dân vùng khó khăn được tiếp cận công nghệ thông tin an toàn, hiệu quả và bền vững là một nhiệm vụ quan trọng.

Điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ứng dụng CNTT tại xã Vô Tranh, tỉnh Thái Nguyên.
Xóm Phú Thọ, xã Phú Đô, huyện Phú Lương nay là xã Vô Tranh, tỉnh Thái Nguyên có tới 95% dân số là đồng bào dân tộc Mông, đang trở thành một điển hình tích cực từ khi được lựa chọn là điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ứng dụng CNTT.
Cánh cửa công nghệ mở ra giữa núi rừng
Xóm Phú Thọ từng là một địa bàn khó khăn, điều kiện tiếp cận thông tin, giáo dục và dịch vụ công còn hạn chế. Với 29 hộ dân, trong đó có 5 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, cuối năm 2024, xóm đã có bước chuyển mình khi nhà văn hóa được đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị hiện đại phục vụ chuyển đổi số: Internet Tivi, loa hội trường, âm ly, micro, máy tính kết nối mạng và nhiều thiết bị phụ trợ khác.
Không chỉ là nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa giờ đây trở thành trung tâm tiếp cận thông tin, nơi người dân có thể học tập kỹ năng mới, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cập nhật thông tin sản xuất, đời sống và kết nối với thế giới bên ngoài qua Internet.
Ông Hoàng Văn Bình, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Phú Thọ cho biết: “Từ khi có điểm hỗ trợ CNTT, bà con trong xóm phấn khởi lắm. Nhiều người lần đầu được sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để tra cứu thông tin. Có người học được cách trồng rau sạch, nuôi gà thả vườn nhờ xem các video hướng dẫn. Đây thực sự là cơ hội mới giúp người dân phát triển kinh tế và nâng cao hiểu biết”.

Nhà văn hóa được đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị hiện đại phục vụ chuyển đổi số: Internet Tivi, loa hội trường, âm ly, micro, máy tính kết nối mạng và nhiều thiết bị phụ trợ khác.
Mang tri thức số đến với từng người dân
Điểm hỗ trợ CNTT tại xóm Phú Thọ không chỉ phục vụ mục tiêu thông tin – tuyên truyền mà còn góp phần nâng cao năng lực số cho người dân, đặc biệt là nhóm đồng bào dân tộc thiểu số vốn ít có điều kiện tiếp cận công nghệ.
Các lớp học, buổi tuyên truyền được tổ chức định kỳ tại nhà văn hóa với nội dung phong phú, bám sát nhu cầu thực tế: Kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh, truy cập mạng Internet, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, nhận diện lừa đảo công nghệ cao, phòng chống tin giả, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đặc biệt, các lớp học còn chú trọng hướng dẫn người dân cách tra cứu thông tin sản xuất, tiếp cận thị trường qua các nền tảng thương mại điện tử. Đây là bước đi thiết thực nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo sinh kế bền vững.
Chị Hoàng Thị Điện, người dân trong xóm chia sẻ: “Trước kia tôi không biết điện thoại thông minh là gì. Giờ được các cán bộ hướng dẫn tận tình, tôi đã biết vào mạng để xem thời tiết, học cách trồng rau sạch và làm chuồng trại cho đàn lợn. Gia đình tôi đã có thêm thu nhập nhờ áp dụng kỹ thuật mới”.
Một trong những thành công lớn nhất của mô hình điểm hỗ trợ CNTT là khơi dậy tinh thần ham học hỏi, khát vọng vươn lên trong cộng đồng dân cư. Từ chỗ còn e ngại, rụt rè với công nghệ, nhiều người dân, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ, nay đã trở nên chủ động, tích cực học hỏi và chia sẻ với nhau.
Ông Hoàng Văn Bình cho biết: “Trước đây bà con nghĩ rằng máy tính, mạng Internet là thứ xa vời. Nhưng bây giờ thì ai cũng thấy nó gần gũi và hữu ích. Nhiều người lớn tuổi cũng xin tham gia lớp học để không bị tụt hậu. Đó là tín hiệu rất tích cực”.
Từ hiệu quả bước đầu cho thấy, mô hình điểm hỗ trợ CNTT đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào không chỉ góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, mà còn thúc đẩy giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, như chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển giáo dục vùng khó khăn và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số.
Như vậy, việc thiết lập điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng CNTT tại xóm Phú Thọ là chủ trương đúng đắn, kịp thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển bền vững của vùng dân tộc và miền núi.
Từ một điểm sáng nhỏ, mô hình này đang mở ra cơ hội lớn cho hàng triệu người dân nơi vùng cao, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận tri thức, làm chủ công nghệ, vươn lên làm giàu và góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước trong kỷ nguyên số.