Nâng cao năng lực trong quản lý, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt
Những công trình cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới đã góp phần tích cực trong việc cung cấp nước sạch cho người dân khu vực nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Câu chuyện “của bền tại người” là một minh chứng ở công trình cấp nước tập trung liên xã Noong Lay - Tông Cọ (Thuận Châu) được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2018, đã giúp gần 1.300 hộ dân ở 2 xã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt. Qua gần 3 năm đưa vào sử dụng, trạm cấp nước cơ bản được vận hành và bảo trì tốt.
Anh Lò Văn Diêu, cán bộ quản lý Trạm cấp nước liên xã Nong Lay - Tông Cọ, chia sẻ: Do thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, thời gian bảo trì, bảo dưỡng định kỳ hàng năm nên công trình hiện tại không có hư hỏng nào đáng kể. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra đường ống dẫn nước từ trạm đến các hộ dân sử dụng nước và triển khai sửa chữa đường ống khi có tin báo rò rỉ nước hay vỡ đường ống. Từ đó hạn chế việc lãng phí nước do đường ống bị hỏng.
Còn tại Trạm cấp nước bản Mạt, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) đã qua 9 năm hoạt động, mặc dù công suất cấp nước khá khiêm tốn, chỉ 300 m³/ngày đêm, cung cấp nước 700 hộ dân nằm dọc theo quốc lộ 4G của xã Chiềng Mung, nhưng từ khi đi vào hoạt động, Trạm cấp nước đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân, việc được sử dụng nước sạch góp phần hạn chế các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Vì vậy, người dân trong bản luôn chú trọng bảo vệ đầu nguồn nước tại khu rừng bản Mạt. Hàng tháng, tổ bảo vệ rừng của bản gồm 10 người, có nhiệm vụ thường xuyên tuần rừng, kiểm tra đầu nguồn nước, cắm biển cảnh báo, rào lại khu vực đầu nguồn không để vật nuôi lại gần gây ô nhiễm nguồn nước. Người dân được hưởng lợi từ công trình cũng có ý thức cao trong việc sử dụng tiết kiệm.
Ông Nguyễn Văn Toàn, bản Mạt, cho hay: Sau nhiều năm được sử dụng nước sạch, gia đình tôi cũng như người dân trong bản đều ý thức việc sử dụng tiết kiệm, hợp lý nguồn nước sẽ góp phần giúp công trình vận hành hiệu quả, giúp người dân chúng tôi không còn nỗi lo thiếu nước sinh hoạt.
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có trên 1.400 công trình cấp nước tập trung đảm bảo khả năng cấp nước hợp vệ sinh cho trên 92% dân số khu vực nông thôn. Việc quản lý, vận hành các công trình cấp nước được thực hiện theo các hình thức: Cộng đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và HTX. Còn đối với các công trình cấp nước tập trung được đầu tư với quy mô nhỏ, việc vận hành đơn giản sẽ được giao cho chính quyền địa phương quản lý.
Qua rà soát, vẫn còn một số địa phương vận hành công trình không đạt hiệu quả do nhiều nguyên nhân, như: Nguồn thu từ cấp nước sinh hoạt không đủ bù chi nên thiếu nguồn vốn để tự duy trì, bảo dưỡng công trình; năng lực tự quản lý, vận hành của cán bộ, nhân viên quản lý trạm cấp nước còn hạn chế và nguyên nhân khách quan do thiên tai thường xuyên xảy ra...
Trước hiện trạng trên, Trung tâm nước sạch và VSMT nông thôn đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao kỹ năng quản lý, vận hành công trình cho các địa phương. Ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho biết: Chúng tôi ưu tiên hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực tự quản lý, vận hành công trình cho đội ngũ quản lý công trình ở các địa phương. Chú trọng bảo dưỡng một số hạng mục công trình phải hoạt động với công suất cao, chủ động, kịp thời khắc phục các sự cố trong quá trình vận hành. Tham mưu giúp chính quyền các địa phương đưa ra tiêu chí lựa chọn, giao khoán công trình các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực quản lý, vận hành và tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ công trình.
Muốn công trình cấp nước sinh hoạt bền, phát huy được hiệu quả và không lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và người dân trong việc nâng cao nhận thức, ý thức, năng lực quản lý, vận hành, khai thác, bảo dưỡng thường xuyên công trình cấp nước sinh hoạt và sử dụng tiết kiệm. Đó là cơ sở trong việc phát huy tối đa hiệu quả sử dụng công trình nước sạch, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.