Nâng cao năng lực truyền tải điện

Trong mùa khô, vấn đề cháy rừng trong hành lang tuyến và công suất vượt tải… luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây ra các sự cố điện. Chính vì vậy, Truyền tải điện Khánh Hòa luôn nâng cao năng lực hoạt động trong thời điểm này để đảm bảo nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Áp dụng công nghệ 4G

Hiện nay, Truyền tải điện Khánh Hòa quản lý vận hành hơn 232km đường dây 220kV đi qua nhiều vùng địa hình khác nhau. Trong đó, có hơn 40km đường dây nằm trong vùng nguyên liệu mía và hơn 80km đường dây đi qua khu vực vùng rừng trồng. Nguy cơ cháy mía, cháy rừng dẫn đến sự cố lưới điện rất cao, nhất là vào mùa khô và vụ thu hoạch mía, lâm sản (từ tháng 1 đến tháng 7 hàng năm). Trước nguy cơ như vậy, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống cháy mía, cháy rừng như: Tăng cường công tác phát quang chống cháy, cào ranh, thu gom thực bì, đốt chủ động, tuần canh chống cháy thường xuyên tại các khu vực trọng yếu. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân không đốt thực bì, xác lá mía tại khu vực có lưới điện đi qua.

 Sửa chữa lưới điện truyền tải.

Sửa chữa lưới điện truyền tải.

Để nâng cao năng lực phát hiện, nhanh chóng kiểm soát diễn biến và các nguy cơ đe dọa đến sự an toàn vận hành của lưới điện, Truyền tải điện Khánh Hòa đã liên tục tìm tòi những cách làm hay, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất để áp dụng vào thực tế công tác quản lý vận hành. Trong đó, nổi bật nhất là việc trang bị camera 4G để giám sát đường dây truyền tải. Hệ thống camera được lắp đặt thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2019 tại đường dây 220kV Krông Buk - Nha Trang thuộc xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, nơi từng xảy ra sự cố đường dây do cháy mía vào năm 2015. Sau khi thấy được hiệu quả rất cao camera 4G mang lại, đơn vị triển khai trên diện rộng và lắp đặt ở nhiều hướng tuyến.

Ông Nguyễn Thành Nhật - Trưởng phòng Kỹ thuật - Truyền tải điện Khánh Hòa cho biết, camera được cấp nguồn từ pin năng lượng mặt trời có ắc quy tích trữ và truyền tín hiệu quan sát qua mạng 4G về các thiết bị di động hoặc cố định. Người quản lý có thể theo dõi, điều khiển quan sát bằng smartphone ở bất cứ thời điểm nào trong ngày và ở mọi vị trí, khoảng cách. Vào mùa khô, các camera 4G được lắp đặt tại những vị trí cột có nguyên liệu mía, rừng trồng bạch đàn, keo lá tràm; vào mùa mưa lũ thì luân chuyển đến quan sát tại những vị trí xung yếu dễ sạt lở, lũ quét. Từ khi lắp đặt và vận hành đến nay, đơn vị đã phát hiện rất nhiều vụ cháy; phối hợp với người dân, chính quyền địa phương xử lý kịp thời, ngăn ngừa nguy cơ cháy lan vào các ruộng mía dưới đường dây. Cụ thể, năm 2019, đơn vị phát hiện 10 vụ cháy; năm 2020 phát hiện 8 vụ cháy ở các khu vực gần hành lang đường dây 220kV Krông Buk - Nha Trang và 220kV Tuy Hòa - Nha Trang.

Giảm thiểu việc cắt điện

Ngoài việc không để xảy ra sự cố điện, vấn đề hạn chế cắt điện để sửa chữa, vệ sinh hệ thống truyền tải cũng được đơn vị đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, Truyền tải điện Khánh Hòa đã áp dụng công nghệ Hotline (sửa chữa điện không cắt điện) trong quản lý. Trong tháng 3, đơn vị đã tiến hành vệ sinh cách điện Hotline tại 44 vị trí cách điện bị nhiễm bẩn trên đường dây 220kV Thiên Tân - Nha Trang và 220kV Tuy Hòa - Nha Trang. Đây là những khu vực có nhiều doanh nghiệp khai thác đất, đá thành phẩm, thi công đường với các phương tiện cơ giới hoạt động liên tục khiến bụi đất bám trên bề mặt, làm các thiết bị cách điện bị nhiễm bẩn nặng, nếu không được vệ sinh sẽ gây nguy cơ mất an toàn cho cả hệ thống. Song, hiện nay, các đường dây 220kV do đơn vị vận hành luôn ở chế độ tải cao khi phải truyền tải công suất từ nhiều nhà máy điện năng lượng tái tạo trên địa bàn. Việc cắt điện đường dây để vệ sinh định kỳ tại các khu vực cách điện bị nhiễm bẩn rất khó khăn. Chính vì vậy, việc áp dụng công nghệ Hotline là phương án khả thi nhất.

 Vệ sinh trạm biến áp bằng công nghệ Hotline.

Vệ sinh trạm biến áp bằng công nghệ Hotline.

Theo ông Nguyễn Thành Nhật, trước khi tiến hành mỗi đợt vệ sinh Hotline, làm việc với đường dây cao áp đang mang điện luôn đặc biệt nguy hiểm, đòi hỏi đơn vị thực hiện phải chuẩn bị chu đáo từ phương án thi công, bảo dưỡng, vệ sinh thiết bị, lọc nước đến kiểm tra sơ bộ tình trạng sức khỏe của từng công nhân tham gia trực tiếp vệ sinh cách điện. Lãnh đạo đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở công tác an toàn, tuyệt đối tuân thủ quy trình vệ sinh Hotline đã được đào tạo huấn luyện.

Ông Nguyễn Nghĩa - Phó Giám đốc Truyền tải điện Khánh Hòa cho biết: “Tính đến thời điểm này, việc áp dụng công nghệ camera giám sát 4G và Hotline đã được triển khai rộng rãi trong hầu hết các hướng tuyến do đơn vị quản lý. Việc áp dụng công nghệ đã nâng cao năng lực truyền tải điện ngày một cao hơn. Thời gian tới, thực hiện yêu cầu chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ 4.0, Truyền tải điện Khánh Hòa sẽ tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, nâng cấp, cải tiến và phát triển nhiều công nghệ khác. Song song đó, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao mặt bằng kiến thức cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao cách sử dụng, vận hành các thiết bị đến công nhân viên để từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, đạt hiệu quả cao nhất trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền an toàn, liên tục”.

Đình Lâm

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202104/nang-cao-nang-luc-truyen-tai-dien-8214231/