Nâng cao năng lực tư vấn pháp luật thân thiện với người chưa thành niên và nhạy cảm giới
Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội Luật gia Việt Nam về kiến thức và kỹ năng làm việc với người chưa thành niên là một trong những khâu then chốt.
Ngày 13-14/12, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên tại Việt Nam giai đoạn 2022-2026”, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng của Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức cuộc tập huấn về tư vấn pháp luật thân thiện với người chưa thành niên và nhạy cảm giới cho 35 tư vấn viên, cộng tác viên tư vấn pháp luật của các Trung tâm tư vấn pháp luật của 14 tỉnh, thành phố phía Bắc.
Trong những năm qua, UNICEF đã hỗ trợ Hội Luật gia Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp về tư vấn pháp luật thân thiện với người chưa thành niên.
Trong năm 2023, UNICEF tiếp tục phối hợp với Hội hoàn thiện tài liệu tập huấn tư vấn pháp luật thân thiện với người chưa thành niên và tổ chức 02 cuộc tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho tư vấn viên, cộng tác viên pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam.
Tiếp theo cuộc tập huấn ngày 13-14/12 này, cuộc tập huấn thứ hai dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12 cho đội ngũ tư vấn pháp luật các tỉnh miền Trung. Hoạt động này được sự tài trợ của Dự án “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam” (DFAT).
Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh bày tỏ: “Thực tế, đội ngũ các bộ cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật của Hội mặc dù được đào tạo bài bản về chuyên ngành luật, có thời gian công tác pháp luật lâu năm, có kinh nghiệm và nhiệt tình, tâm huyết với nghề nhưng chưa được đào tạo một cách bài bản, thường xuyên về các kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc tư vấn một cách chuyên nghiệp, trong đó có tư vấn pháp luật thân thiện và nhạy cảm giới cho người chưa thành niên.
Hội xác định việc tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ của mình thông qua các cuộc tập huấn về kiến thức và kỹ năng làm việc với người chưa thành niên là một trong những khâu then chốt trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn pháp luật tốt nhất cho người chưa thành niên”.
Với phương pháp cùng tham gia, lấy người học làm trung tâm, bên cạnh những kiến thức chung về tư vấn pháp luật với người chưa thành niên, tư pháp thân thiện với người chưa thành niên và nhạy cảm giới, các đại biểu tham gia tập huấn đã có cơ hội thực hành các kỹ năng tư vấn pháp luật thân thiện với người chưa thành niên.
Trong hai ngày tập huấn, bên cạnh việc lĩnh hội được những kiến thức, kỹ năng quý báu về tư vấn pháp luật thân thiện với người chưa thành niên, về giới, định kiến giới, phân biệt đối xử trên cơ sở giới, nhạy cảm giới, các đại biểu còn có cơ hội cùng nhau thực hành một số kỹ năng và cùng nhau bàn bạc, thống nhất các hành động thực tế để tư vấn pháp luật phù hợp hơn, bảo đảm quyền và mang lại lợi ích tốt nhất cho các em, tránh những định kiến giới, tránh làm tái tổn thương các em...
Đồng hành với Hội trong việc hoàn thiện tài liệu và dẫn trình tại tập huấn là PGS.TS Phan Thị Lan Hương, giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội - người có nhiều kinh nghiệm giảng dạy pháp luật nói chung và kinh nghiệm tập huấn về kỹ năng tư vấn pháp luật thân thiện với người chưa thành niên và nhạy cảm giới nói riêng.
Tại tập huấn, Phó Chủ tịch Lê Thị Kim Thanh đã thay mặt Lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam gửi lời cảm ơn chân thành tới Quỹ Nhi đồng của Liên Hợp Quốc, Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc, Dự án DFAT và Bộ Tư pháp trong nhiều năm qua đã hỗ trợ cho Hội Luật gia Việt Nam rất nhiều trong việc tăng cường năng lực cho cán bộ, hội viên của Hội nói chung và cho các tư vấn viên, cộng tác viên tư vấn pháp luật của Hội nói riêng.