Nâng cao năng lực ứng phó sự cố và phòng, chống dịch của Bộ đội Hóa học

Được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ khắc phục sự cố hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN), những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hóa học đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chức năng tham mưu xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường trong quân đội và trực tiếp xử lý nhiều sự cố ô nhiễm môi trường.

Trong đó, có thể kể đến các nhiệm vụ xử lý sự cố hóa chất tại Nhà máy thuốc lá Thăng Long tháng 6-1988; Bình Đà, Thanh Oai (Hà Tây cũ) tháng 1-1995; cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng) tháng 11-1998; xử lý ô nhiễm môi trường do dịch bệnh gia súc, gia cầm tại Chương Mỹ, Hà Tây (cũ); tại huyện Triệu Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa) năm 2008... Gần đây, binh chủng đã làm tốt việc xử lý sự cố hóa chất trong vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) tháng 8-2019...

Trong phòng, chống đại dịch Covid-19, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ "chống dịch như chống giặc", ngay từ đầu mùa dịch, binh chủng đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các biện pháp phòng ngừa, ứng phó; tích cực chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, thuốc men, cơ sở vật chất theo đúng phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng tiếp nhận cách ly y tế, điều trị bệnh nhân; kiểm soát chặt chẽ tình hình sức khỏe bộ đội, chủ động phát hiện sớm những trường hợp nhiễm Covid-19, không để dịch bệnh xâm nhập vào các đơn vị hóa học; đồng thời, xây dựng và tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đặc biệt, binh chủng đã điều động lực lượng, phương tiện tiến hành tẩy độc, khử trùng, vệ sinh môi trường khu vực ổ dịch Covid-19 tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình), Bệnh viện Bạch Mai (quận Đống Đa) TP Hà Nội…

 Bộ đội Hóa học thực hiện nhiệm vụ tiêu tẩy khử trùng, phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: VĂN HƯNG.

Bộ đội Hóa học thực hiện nhiệm vụ tiêu tẩy khử trùng, phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: VĂN HƯNG.

Công tác khắc phục sự cố CBRN, bảo vệ môi trường (BVMT) của Binh chủng Hóa học đã góp phần quan trọng giữ vững môi trường an ninh, an toàn để xây dựng, phát triển đất nước, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh người chiến sĩ hóa học với phương tiện hiện đại, chuyên môn giỏi, kỷ luật nghiêm, tác phong làm việc khoa học, giúp nhân dân khắc phục sự cố đã có sức lan tỏa lớn, góp phần làm sáng rõ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ giữa thời bình. Thông qua đó cũng khẳng định vai trò, năng lực, trình độ của quân đội nói chung, Bộ đội Hóa học nói riêng trong ứng phó các sự cố CBRN và BVMT.

Thời gian tới, với sự phát triển không ngừng của xã hội, lượng hóa chất sử dụng trong phát triển kinh tế-xã hội ngày càng lớn và đa dạng, tình hình khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường, nên sự cố về hóa chất, nguy cơ về dịch bệnh rất dễ xảy ra với quy mô và cấp độ khác nhau. Vì vậy, việc nâng cao năng lực ứng phó sự cố CBRN; phòng, chống dịch bệnh được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Bộ đội Hóa học.

Nhận thức rõ vấn đề trên, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hóa học tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, dự báo, đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố tại các cơ sở hóa chất, bức xạ trọng điểm... để tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các giải pháp quản lý, bảo đảm an toàn hoạt động các cơ sở hóa chất, các nguồn phóng xạ dùng trong y tế, kỹ thuật trên địa bàn cả nước, nhất là các cơ sở có nguy cơ xảy ra sự cố cao; đề xuất các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm và ứng phó một cách chủ động, hiệu quả; tham mưu, đề xuất từng bước điều chỉnh tổ chức lực lượng ứng phó sự cố CBRN có cơ cấu, quy mô hợp lý, theo hướng chuyên môn hóa, tinh, gọn, mạnh, sức cơ động cao, trang bị hiện đại, được huấn luyện tốt, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện nhiệm vụ khắc phục sự cố CBRN là một trong những ưu tiên hàng đầu của binh chủng. Trong đó ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp có khả năng cập nhật hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm soát CBRN, làm chủ các trang bị mới; có năng lực tham mưu, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức chỉ huy, hiệp đồng khi có sự cố xảy ra; xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, có trình độ chuyên môn sâu trong lĩnh vực hóa học, hạt nhân, sinh học; ứng phó sự cố CBRN; xây dựng lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ khắc phục sự cố CBRN có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, kỷ luật cao, sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm để thực hiện nhiệm vụ, được huấn luyện, bồi dưỡng trình độ chuyên môn sâu, được trang bị các loại khí tài, phương hiện đại, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án phòng, ứng phó sự cố CBRN ở các cấp phù hợp yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng địa bàn, nhất là trên các hướng, khu vực trọng điểm, bảo đảm tính phòng ngừa, huy động được mọi nguồn lực trong chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”; dự kiến các tình huống có thể xảy ra để để bố trí lực lượng, phương tiện; chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị… theo đúng tư tưởng chỉ đạo “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả”; coi trọng huấn luyện, diễn tập nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy và khả năng ứng phó sự cố của các phân đội hóa học; huấn luyện theo đúng phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, thực sự, thực tế, coi trọng huấn luyện theo tình huống và nhiệm vụ. Lực lượng hóa học chuyên trách được huấn luyện chuyên sâu về ứng phó sự cố CBRN, có khả năng cơ động nhanh, khai thác có hiệu quả các trang thiết bị, phương tiện hiện đại, đủ khả năng xử trí các tình huống phức tạp, sẵn sàng tham gia khắc phục sự cố môi trường ở bất cứ đâu khi có yêu cầu.

Binh chủng Hóa học tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để cải tiến, hiện đại hóa các trang thiết bị hiện có, đầu tư mua sắm trang bị, phương tiện hiện đại theo hướng đồng bộ, tích hợp nhiều công nghệ hiện đại, nâng cao tính năng kỹ, chiến thuật, độ tin cậy cao, phù hợp với khí hậu, thời tiết, môi trường hoạt động và điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước; tập trung nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tổ chức, chỉ huy, điều hành; xây dựng cơ sở dữ liệu, từng bước tự động hóa hệ thống chỉ huy; hiện đại hóa dây chuyền công nghệ sản xuất trang bị hóa học hiện có; chế tạo các trang thiết bị trinh sát chất độc, chất phóng xạ, tác nhân sinh học có tầm trinh sát rộng, độ chính xác cao..., từng bước nâng cao tỷ lệ bảo đảm trang bị hiện đại, công nghệ mới cho lực lượng hóa học chuyên trách và kiêm nhiệm.

Cùng với tăng cường hợp tác quốc tế nhằm trao đổi, xử lý thông tin, huy động nguồn lực, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, kinh nghiệm ứng phó sự cố CBRN của các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến, Binh chủng Hóa học chủ động tham gia các cuộc diễn tập quốc tế ứng phó sự cố CBRN, như: ARDEX, FTX để tiếp cận và nâng cao trình độ; tham gia các cuộc diễn tập ứng phó sự cố CBRN của quân đội một số nước với tư cách là quan sát viên để tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, tham mưu, đề xuất từng bước tham gia cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng với các nước trong khu vực và trên thế giới về cứu hộ, cứu nạn và làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt trong thời bình, sẵn sàng xử lý các tình huống khi sự cố, dịch bệnh xảy ra.

Thiếu tướng HOÀNG XUÂN DŨNG (Chính ủy Binh chủng Hóa học)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/nang-cao-nang-luc-ung-pho-su-co-va-phong-chong-dich-cua-bo-doi-hoa-hoc-615381