Nâng cao năng lực vận tải hàng không, đáp ứng nhu cầu dịp cao điểm

Giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, trong đó vận tải hàng không được nhiều hành khách lựa chọn. Để đáp ứng nhu cầu, hàng nghìn chuyến bay sẽ được tăng thêm so với lịch bay thường lệ.

Tăng cường các chuyến bay đêm

Nhiều đường bay nội địa ở nước ta hiện đã đạt tỷ lệ đặt chỗ hơn 90% vào dịp Tết Nguyên đán 2024 như từ TP Hồ Chí Minh đi Thừa Thiên Huế, Pleiku (Gia Lai), Vân Đồn (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Chu Lai (Quảng Nam); đường bay Hà Nội-Vinh (Nghệ An)... Để phục vụ hành khách, trong giai đoạn cao điểm Tết, từ ngày 24-1 đến 25-2-2024, các hãng hàng không dự kiến thực hiện gần 33.800 chuyến bay, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 21% so với lịch bay thường lệ. Trong đó, các chuyến bay nội địa dự kiến đạt 24.200 chuyến, tăng 2% so với cùng kỳ và 27% so với lịch bay bình thường. Chuyến bay quốc tế dự kiến đạt 9.600 chuyến, tăng 60% so với cùng kỳ và 9% so với lịch bay đang khai thác.

Với kế hoạch bay này, các hãng hàng không sẽ cung ứng 5,5 triệu ghế trên các đường bay nội địa và gần 2,1 triệu ghế trên các đường bay quốc tế dịp Tết Nguyên đán 2024. Các đường bay chiếm tỷ trọng lớn là Hà Nội-TP Hồ Chí Minh với hơn 5.000 chuyến bay (chiếm 21% tổng số chuyến bay khai thác); TP Hồ Chí Minh-Đà Nẵng đạt hơn 2.200 chuyến bay (chiếm 9%) và đường bay TP Hồ Chí Minh-Vinh đứng thứ 3 với 1.600 chuyến bay (chiếm 6,5%). Để bảo đảm kế hoạch khai thác, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hỗ trợ và khuyến khích các hãng hàng không tăng năng lực như tìm kiếm máy bay thuê ngắn hạn, kéo dài thời gian hoạt động hằng ngày của đội bay. Một số hãng hàng không đã tiếp nhận thêm máy bay phục vụ dịp cao điểm Tết Nguyên đán, trong đó, Hãng hàng không Vietjet vừa tăng cường 4 máy bay vào đội bay 103 chiếc. Hãng hàng không Bamboo Airways cũng mới tiếp nhận máy bay A320. Đây là một trong hai máy bay hãng này đã lên kế hoạch bổ sung để khai thác trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán. Máy bay còn lại sẽ gia nhập đội bay của Bamboo Airways trong tháng 1-2024.

 Khai thác chuyến bay thương mại tại Cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng). Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Khai thác chuyến bay thương mại tại Cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng). Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho phép các hãng hàng không tăng cường khai thác giờ bay ban đêm, đặc biệt tại các cảng hàng không có lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu phục vụ các chuyến bay vào khung thời gian này. Đồng thời, yêu cầu các cảng hàng không, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không để bảo đảm an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ. Trong trường hợp có chuyến bay bị chậm, hủy cần khẩn trương thông báo cho các cảng hàng không, sân bay và những đơn vị liên quan để xem xét điều chỉnh kịp thời công tác phục vụ khai thác.

Bảo đảm giá vé trong khung giá quy định

Khi nhu cầu tăng cao, giá vé máy bay luôn là vấn đề được người dân quan tâm, nhất là vào các dịp cao điểm lễ, tết. Theo Bộ GTVT, trong các giai đoạn cao điểm, nhu cầu tăng quá lớn so với nguồn cung, các hãng hàng không đều tăng tỷ lệ bán vé ở mức giá cao. Ngược lại, với những giai đoạn thấp điểm hoặc các chuyến bay lệch đầu dịp lễ, tết, nhu cầu vận chuyển của hành khách rất thấp, sụt giảm mạnh so với cung, các hãng hàng không đều hạ thấp giá vé. Điều này là phù hợp với cơ chế thị trường. Hiện nay, giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) đều được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với nhiều dải giá từ thấp đến cao tùy tình hình thị trường (cung-cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé, chất lượng dịch vụ...

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đối với các đường bay nội địa, Bộ GTVT đã ban hành khung giá vận chuyển hành khách, trong đó quy định về mức giá tối đa (giá trần). Bộ GTVT đánh giá, hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam đều thực hiện kê khai giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa với nhiều mức giá đáp ứng nhu cầu của hành khách và bảo đảm trong khung giá theo quy định.

Đánh giá về thị trường vận tải hàng không nước ta hiện nay, ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho rằng, thị trường đã có tính cạnh tranh ngày càng cao với nhiều hãng hàng không đang khai thác. Hiện nay, Việt Nam có 6 hãng hàng không đang khai thác với các mô hình kinh doanh hàng không gồm cả dịch vụ đầy đủ và chi phí thấp, thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Việc thị trường hàng không nội địa không có đường bay nào khai thác độc quyền giúp khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ vận chuyển với nhiều lựa chọn.

Cùng với triển khai các giải pháp tăng năng lực vận tải hàng không, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, Bộ GTVT cũng yêu cầu các cảng hàng không, hãng hàng không thực hiện đúng quy định kê khai, niêm yết, công khai thông tin về giá, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định. Đồng thời, kết hợp hàng không và các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường bộ, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân trên mỗi hành trình.

MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nang-cao-nang-luc-van-tai-hang-khong-dap-ung-nhu-cau-dip-cao-diem-761592