Nâng cao nghiệp vụ cho trợ giúp viên pháp lý
Hàng năm Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội thường xuyên tổ chức trao đổi nghiệp vụ dưới nhiều hình thức như: sinh hoạt chuyên đề, đào tạo báo cáo viên pháp luật... để các trợ giúp viên pháp lý trau dồi nghiệp vụ và kỹ năng, đảm bảo yêu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng cao của người dân.
Chiều 11/10, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề với mục đích để trợ giúp viên pháp lý trau dồi nghiệp vụ và kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm làm báo cáo viên pháp luật, đảm bảo yêu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng cao của người dân.
Theo đó, trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Hà - Phòng Pháp luật dân sự đất đai thực hiện làm báo cáo viên về chủ đề phòng chống bạo lực gia đình. Chị Nguyễn Thị Hà đã chia sẻ các vấn đề về luật liên quan đến hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình và chia sẻ các câu chuyện nhiều gia đình gặp phải dẫn tới mâu thuẫn.
Sau đó, chị Nguyễn Thị Hà đã dẫn chiếu các điều luật liên quan đến từng hành vi bạo lực, hậu quả của hành vi trên sẽ dẫn tới vi phạm pháp luật. Đồng thời, chị Nguyễn Thị Hà cũng đưa ra những lời khuyên cho chị em phụ nữ khi gặp tình huống bị bạo lực thì cần làm cách nào để giữ an toàn cho bản thân và khuyên bảo người chồng không có hành vi bạo lực tiếp theo.
Tiếp theo, trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Văn Tuấn - Chi nhánh số 5, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội thực hiện làm báo cáo viên về chủ đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng.
Trợ giúp viên Nguyễn Văn Tuấn đã chia sẻ pháp luật về thu hồi đất, chính sách bồi thường, tái định cư cũng như khung giá đất của Nhà nước. Bên cạnh đó, trợ giúp viên Nguyễn Văn Tuấn còn chia sẻ về quy trình, thủ tục tiến hành thu hồi đất,… đưa ra lời khuyên cho người dân, khi bị thu hồi đất thì phối hợp với các cơ quan chức năng như thế nào để dự án được triển khai nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật.
Góp ý về bài báo cáo, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân - Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp nhận xét, với báo cáo của chị Nguyễn Thị Hà có ưu điểm là giọng nói to, rõ ràng, có nội lực. Tuy nhiên, quá trình báo cáo, chị Hà nên có độ tương tác với người nghe hơn để buổi báo cáo đỡ nhàm chán và công việc truyền tải được hiệu quả. Trong bài báo cáo nên nêu nhiều tình huống thực tế từ công việc của mình sẽ giúp người nghe dễ hiểu, dễ hình dung từ thực tế.
Về bài báo cáo của anh Nguyễn Văn Tuấn, chị Xuân cho rằng đây là một vấn đề khó, anh Tuấn đã chắt lọc nội dung trong bài báo cáo và thực tế đi mỗi địa phương chúng ta sẽ biến tấu nội dung phù hợp với tình hình địa phương.
Góp ý về bài báo cáo của chị Nguyễn Thị Hà, anh Nguyễn Tất Doanh, trợ giúp viên pháp lý thông tin, chị Hà nên đưa các tình huống thực tế mình hỗ trợ và nên nêu nhiều về hậu quả của các tình huống bạo lực gia đình hướng đến, hệ quả của mất kiểm soát sẽ dẫn người mâu thuẫn đến vòng lao lý,… Trong buổi báo cáo hôm nay, chị Hà đã nói tốt hơn hôm trước và hy vọng buổi sau sẽ tốt hơn.
Góp ý tại buổi sinh hoạt chuyên đề về 2 báo cáo của chị Nguyễn Thị Hà và anh Nguyễn Văn Tuấn, bà Nguyễn Thị Vinh - Trưởng phòng Pháp luật dân sự đất đai cho biết, bài báo cáo của chị Hà đã chuẩn bị nội dung tốt, báo cáo ban đầu hơi nhanh nhưng về sau đã tiết chế được. Buổi báo cáo hôm nay chị Hà đã làm tốt hơn so với lần trước, chị Hà cần phát huy.
Về bài báo cáo của anh Tuấn, bà Nguyễn Thị Vinh nhận xét, anh Tuấn diễn đạt nắm chắc nội dung, giọng nói hơi đều, không nhấn nhá dễ khiến người nghe mất tập trung. Anh Tuấn khắc phục lỗi này sẽ khiến bài báo cáo hay hơn.
Về bài báo cáo của anh Tuấn, anh Doanh chia sẻ, chuyên đề đất đai rất khó và tùy thuộc vào đối tượng nghe chúng ta sẽ đưa ra nội dung phù hợp với người bị thu hồi đất. Do vấn đề khó nên tùy vào nơi báo cáo, anh Tuấn nên chọn thông tin phù hợp và ngôn ngữ dễ hiểu với người nghe.
Ngoài ra, trong quá trình báo cáo, anh Tuấn nên nêu mục tiêu, mục đích của thu hồi đất và lợi ích của việc thu hồi đất để phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng.
Tổng kết buổi sinh hoạt chuyên đề, bà Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội cho biết, hàng năm Trung tâm thường xuyên tổ chức trao đổi nghiệp vụ dưới nhiều hình thức như: sinh hoạt chuyên đề, đào tạo báo cáo viên pháp luật,... để các trợ giúp viên pháp lý trau dồi nghiệp vụ và kỹ năng, đảm bảo yêu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng cao của người dân.
“Chuyên đề hôm nay nhiều vấn đề khó, nội dung cách trình bày hợp lý, thoát ly khỏi bài báo cáo. Chính những buổi sinh hoạt chuyên đề như thế này sẽ giúp các em thực hiện làm báo cáo viên tự tin, trình bày tốt hơn.
Bên cạnh đó, 2 em cần dùng cách nói dễ hiểu nhất cho người dân, đặt ra các câu hỏi để tạo sự tương tác giữa người dân và báo cáo viên, giúp người dân hiểu biết thêm về vấn đề mình chia sẻ” - bà Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.