Nâng cao nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ pháp lý chất lượng

Đoàn Luật sư Phú Yên tổ chức trao thẻ hành nghề cho các luật sư. Ảnh: PV

Trên địa bàn tỉnh hiện có 33 luật sư đang hoạt động ở 14 văn phòng, công ty luật; 2 chi nhánh đại diện văn phòng luật của TP Hồ Chí Minh và tỉnh Gia Lai. Thời gian qua, sự có mặt của các luật sư tại các phiên tòa không những bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo; quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa kịp thời thiếu sót, hạn chế oan sai, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án...

Thượng tôn pháp luật

Là người từng được các luật sư tư vấn pháp luật miễn phí, ông Lương Công Thạch, xã An Mỹ (huyện Tuy An), chia sẻ: “Bấy lâu nay, tranh chấp xoay quanh mảnh đất do cha tôi để lại khiến anh em trong gia đình không nhìn mặt nhau, bên nào cũng đề cao cái tôi, tình cảm ngày càng nguội lạnh. Nhờ các luật sư tại Văn phòng Luật sư Phúc Luật (TP Tuy Hòa) tư vấn nhiệt tình đã giúp tôi nhận ra nhiều điều, nâng cao nhận thức những vấn đề pháp luật quy định. Điều này không chỉ giúp hàn gắn quan hệ gia đình mà còn góp phần ngăn chặn các hành vi phạm pháp”.

Đây chỉ là một trường hợp trong hàng trăm vụ việc mà các luật sư Phú Yên đã tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí trong nhiều năm qua. Theo luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Phú Yên, hoạt động trợ giúp pháp luật, tư vấn pháp luật là một trong những hoạt động thường xuyên của Đoàn Luật sư Phú Yên; trong đó chú trọng nhiệm vụ thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí, giảm thù lao giúp đỡ pháp lý cho các đối tượng nghèo, gia đình chính sách.

Bên cạnh đó, đoàn còn phối hợp với Hội LHPN tỉnh thường xuyên cử luật sư tham gia các đợt tư vấn pháp luật miễn phí xuống tận địa bàn nông thôn, các khu công nghiệp; phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức đoàn thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động cho bà con nông dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

“Thông qua các hoạt động này đã đưa pháp luật đến gần với bà con, cũng như giải quyết tường tận, cặn kẽ những thắc mắc về pháp luật của người dân, góp phần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Đồng thời qua đó cũng nêu cao trách nhiệm nghề nghiệp của giới luật sư Phú Yên đối với cộng đồng và xã hội”, luật sư Nguyễn Hương Quê nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Nguyễn Hương Quê, hiện nay Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã đi vào thực tiễn, góp phần tháo gỡ những rào cản cho luật sư; khắc phục được những tồn tại, hạn chế và nâng cao vị thế của người gỡ tội. Theo đó, bộ luật này đã bãi bỏ giấy chứng nhận bào chữa vốn gây khó khăn cho quá trình hoạt động của luật sư trước đây và thay bằng quy định đăng ký bào chữa.

“Tấm vé thông hành” này đã giúp luật sư thuận lợi hơn khi làm việc với cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án để tìm hiểu hồ sơ vụ án và tiếp xúc với bị can, bị cáo. Bên cạnh đó, quy định về phòng xử án mới theo Thông tư 01 của TAND Tối cao được triển khai rộng rãi đã đặt vị trí của luật sư và kiểm sát viên tại phiên tòa ngang nhau, nhằm tạo sự công bằng trong quá trình xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Đồng thời tăng cường tranh tụng giữa đại diện viện kiểm sát với luật sư để làm sáng tỏ tình tiết vụ án.

Nhiều về lượng, mạnh về chất

Luật sư Nguyễn Hương Quê cho biết, trong thời gian tới Đoàn Luật sư tỉnh tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để phát triển số lượng luật sư. Trong đó, chú trọng thu hút luật sư trẻ, năng động, sáng tạo, giỏi ở lĩnh vực kinh doanh thương mại. Đồng thời phấn đấu phát triển thêm từ 2-3 tổ chức hành nghề luật sư theo đề án Phát triển đội ngũ luật sư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 2106 ngày 15/12/2011 của UBND tỉnh.

Song song đó tiếp tục yêu cầu các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư Phú Yên tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý. Đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để tiếp cận doanh nghiệp, tiếp cận các vụ việc phức tạp, từng bước nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và giải quyết các vụ việc có hiệu quả. Ngoài ra, Đoàn Luật sư Phú Yên cũng yêu cầu các luật sư tích cực tham gia các vụ án theo yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng với trách nhiệm cao nhất, hạn chế thấp nhất vụ việc oan sai.

Còn theo luật sư Nguyễn Ninh, Bí thư Chi bộ Đoàn Luật sư Phú Yên, việc thành lập tổ chức đảng tại Đoàn Luật sư không chỉ góp phần định hướng theo tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, mà các đảng viên và các luật sư cũng ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của mình khi hành nghề luật sư.

Nói về giới luật sư Phú Yên, Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Quang đánh giá: “Đội ngũ luật sư Phú Yên có kiến thức pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp, có bản lĩnh chính trị, tâm huyết với nghề và luôn có ý chí vươn lên để khẳng định mình. Vì vậy phải nói rằng, sự có mặt của luật sư tại các phiên tòa khiến hội đồng xét xử yên tâm hơn khi đưa ra quyết định. Trong một số trường hợp, luật sư tranh luận những vấn đề mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án chưa phát hiện, từ đó giúp công tác xét xử đảm bảo được tính khách quan, đúng người, đúng tội”.

Nhiệm vụ tối thượng của luật sư là bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải. Mỗi vụ án, luật sư phải tìm hiểu một cách kỹ lưỡng, chính xác. Bởi lẽ, một sai sót nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, làm thay đổi số phận con người. Các vụ án liên quan đến kinh tế, hình sự, tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình xảy ra ngày càng nhiều và theo chiều hướng phức tạp hơn. Điều này cũng đồng nghĩa, công việc của luật sư vất vả, thậm chí nguy hiểm gấp nhiều lần.

Luật sư Nguyễn Hương Quê

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/164/246507/nang-cao-nghiep-vu-cung-cap-dich-vu-phap-ly-chat-luong-%C2%A0.html