Nâng cao nguồn nhân lực làm du lịch

Với mục tiêu đưa 'ngành công nghiệp không khói' trở thành mũi nhọn kinh tế của tỉnh thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, bên cạnh việc đầu tư hạ tầng và mở rộng các loại hình du lịch (DL).

Các học viên tham gia lớp tập huấn kỹ năng phát triển sản phẩm du lịch tại huyện Tri Tôn

Ngày 16-9, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phối hợp UBND huyện Tri Tôn, Trường Cao đẳng nghề DL Sài Gòn tổ chức lớp tập huấn kỹ năng phát triển sản phẩm dịch vụ DL cho 40 học viên là cán bộ phụ trách DL của huyện, câu lạc bộ khởi nghiệp DL, các chủ hộ kinh doanh mua bán, cung cấp các dịch vụ DL trên địa bàn huyện Tri Tôn.

Lớp tập huấn cung cấp cho các học viên những kiến thức, kỹ năng liên quan đến DL tâm linh, DL sinh thái, DL cộng đồng, DL văn hóa; kỹ năng đón khách, phục vụ khách, thái độ giao tiếp chuyên nghiệp với du khách… nhằm giúp các học viên từng bước hoàn thiện và phát triển sản phẩm DL của mình, nâng cao nguồn nhân lực phục vụ DL tại địa phương.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu phân tích: “An Giang với núi non hùng vĩ, cảnh sắc nên thơ và nhiều danh lam, thắng cảnh vẫn luôn là điểm đến thu hút đông đảo du khách gần xa. Do đó, bên cạnh nỗ lực đầu tư hạ tầng cơ sở và đa dạng hóa loại hình DL thì yếu tố con người đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng phục vụ du khách”.

Thời gian qua, tỉnh đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp đến đầu tư, nâng cấp một số điểm DL thu hút du khách như: Khu DL núi Cấm, rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), Khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp, cánh đồng thốt nốt (Tri Tôn). Tuy nhiên, ngành chuyên môn cần quan tâm đến việc nâng cao trình độ cho những con người trực tiếp làm DL. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã mở lớp hướng dẫn kỹ năng phục vụ du khách cho các hộ dân trên núi Cấm, hướng đến mục tiêu xây dựng Khu DL núi Cấm trở thành điểm đến thơ mộng, hữu tình và thân thiện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết: “Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn đã xác định mục tiêu xây dựng DL trở thành thế mạnh địa phương trong giai đoạn 2015-2020 và định hướng tầm nhìn đến năm 2030. Muốn đạt được mục tiêu đó, cần phải có nguồn nhân lực đủ trình độ làm DL. Do đó, những lớp tập huấn kỹ năng phát triển sản phẩm DL sẽ đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao trình độ của cán bộ, người dân đang tham gia vào “ngành công nghiệp không khói” tại địa phương”.

Hiện nay, huyện Tri Tôn đã và đang thực hiện các bước đi cần thiết để hướng đến việc xây dựng chuỗi DL của huyện, tập trung vào hoạt động DL sinh thái, DL nông nghiệp, DL văn hóa, DL tâm linh. Trong đó, việc tạo nên “ý thức làm DL” trong từng cán bộ, từng người dân sẽ là mắc xích quan trọng để nâng chất hoạt động DL của địa phương.

Đồng quan điểm trên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề DL Sài Gòn Phan Bửu Toàn cho rằng: “Việc đào tạo con người đủ trình độ làm DL cũng quan trọng không kém so với việc đầu tư, phát triển hạ tầng DL. Bởi lẽ, nếu chúng ta có tiền để xây dựng khách sạn “5 sao” nhưng những con người làm công tác phục vụ tại đó chỉ ở trình độ “1 sao” thì sớm muộn khách sạn đó cũng chỉ là “1 sao” trong mắt du khách. Vì vậy, không thể xem nhẹ yếu tố con người trong việc phát triển DL. Những lớp tập huấn kỹ năng làm DL sẽ giúp ngành chuyên môn và địa phương từng bước nâng cao trình độ nguồn nhân lực tại địa phương”.

Với yêu cầu hiện nay, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang sẽ tiếp tục phối hợp các ngành liên quan tổ chức những lớp tập huấn kỹ năng làm DL cho cán bộ và người dân đang trực tiếp phục vụ du khách tại các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, để công tác này đạt được hiệu quả cao, cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự quan tâm của địa phương nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực DL. Qua đó, tạo được ấn tượng tốt đẹp cho du khách về hình ảnh con người An Giang hiếu khách, thân thiện, cởi mở và chuyên nghiệp mỗi khi họ đến với vùng đất non nước hữu tình này.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nang-cao-nguon-nhan-luc-lam-du-lich-a285109.html