Nâng cao nhận thức bảo đảm an toàn, an ninh mạng
Thời gian qua, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gia tăng nhanh về số vụ, số tiền thiệt hại, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về tội phạm trên không gian mạng đã được tiến hành thường xuyên, song hiệu quả chưa cao, chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, tổ chức, doanh nghiệp, chưa tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức cảnh giác của nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về “An toàn, an ninh mạng quốc gia”, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; nâng cao trách nhiệm, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, tạo thành các chiến dịch tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.
Nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng Nhân dân về kiến thức pháp luật, phương thức, thủ đoạn và các kỹ năng nhận biết, phòng ngừa hoạt động tội phạm trên không gian mạng; huy động được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng Nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.
Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, hiệu quả gắn với công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nội dung tuyên truyên phải liên tục đổi mới, đa dạng hóa, bám sát thực tế, kịp thời truyền tải, thông tin cho người dân về các phương thức, thủ đoạn tội phạm trên không gian mạng; hình thức tuyên truyền phong phú, sử dụng đa dạng các kênh truyền thông.
Cảnh báo, hướng dẫn người dân nhận diện các dấu hiệu của tội phạm, các biện pháp tự phòng tránh, đối phó với tội phạm trên không gian mạng. Khai thác tối đa ưu thế hoạt động truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội; các hội nhóm đông thành viên; người có uy tín, ảnh hưởng trên không gian mạng để tham gia công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin nhanh chóng, đến mọi đối tượng tiếp cận.
Các cơ quan chức năng tập trung cao độ thực hiện “Chiến dịch tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống hoạt động tội phạm trên không gian mạng”; triển khai “Bộ cẩm nang tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng” để trao đổi, hướng dẫn cho các đơn vị trong toàn hệ thống chính trị, cho các cấp, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh. Cung cấp thông tin, tư liệu và phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.
Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh; tranh thủ về năng lực, tiềm lực trong hoạt động truyền thông của các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ bên ngoài tham gia công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với các nhiệm vụ thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.
Chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên các nền tảng hạ tầng kỹ thuật của các doanh nghiệp về các loại phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng, bao gồm: Gửi tin nhắn SMS, tin nhắn qua các ứng dụng của các nhà mạng các thông điệp cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng. Có cảnh báo cho người dùng khi nhận các cuộc gọi VoIP, cuộc gọi từ nước ngoài, các cuộc gọi rác, các trang mạng có dấu hiệu lừa đảo.
Chỉ đạo, hướng dẫn 100% các trường, cơ sở giáo dục và đào tạo xây dựng, tổ chức các chương trình ngoại khóa, hoạt động tuyên truyền, cảnh báo về tội phạm sử dụng công nghệ cao phù hợp với chương trình học, lứa tuổi, bậc học. Cập nhật, thông báo các thông tin về tội phạm trên không gian mạng cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên qua các hình thức phù hợp như: bảng thông báo, bảng điện tử, áp phích....
Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cùng nâng cao nhận thức của mỗi người dân về phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, là cơ sở để giữ vững trận địa thông tin, bảo đảm an toàn an ninh mạng, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân.