Nâng cao nhận thức bảo hộ giống cây trồng khu vực Tây Nguyên
Ngày 21/11 tại TP Đà Lạt, Cục Trồng trọt, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng, Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng, Bộ Nông -Ngư nghiệp Nhật Bản và Hiệp hội Quốc tế về bảo hộ giống cây trồng (UPOV) đã tổ chức 'Hội thảo bảo hộ giống cây trồng khu vực Tây Nguyên'.
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức bảo hộ tác quyền về giống cây trồng ở khu vực Tây Nguyên.
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam tham gia UPOV hơn 10 năm qua, tham gia bảo vệ quyền sở hữu tác giả để phát triển thêm nhiều giống cây trồng mới theo đích đến tích cực vì lợi ích cộng đồng, hiệu quả, đưa sản phẩm giống cây trồng Việt Nam ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, những năm qua, Cục Trồng trọt, Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng và Hiệp hội Thương mại giống cây trồng đã nhận rất nhiều đơn phản ánh từ tác giả, các cơ quan tác giả về việc xâm phạm tác quyền và việc không đảm bảo hiệu lực của tác quyền.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, vấn đề vi phạm bản quyền giống đang là một thực tại, đặt ra nhiều thách thức cho ngành nông nghiệp tìm hướng giải quyết, đặc biệt trên cây hoa, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu.
Ước tính, mỗi năm lượng hoa sản xuất hàng năm của TP Đà Lạt và các vùng lân cận vào khoảng trên 3 tỷ cành nhưng lượng hoa xuất khẩu hàng năm chỉ chiếm 10% trong số đó. Trong 10% xuất khẩu ít ỏi này, thị phần cũng chủ yếu tập trung ở những công ty lớn, hoặc doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, còn nông dân vẫn khó nhập cuộc. Nguyên nhân là do nhiều nông dân hiện nay đang vô tư sao chép, canh tác và dùng lậu các giống hoa có bản quyền.
Ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Hasfarm cho rằng: Bản quyền giống là yếu tố quyết định giúp cho ngành hoa Đà Lạt nói riêng và Việt Nam nói chung vươn ra thị trường thế giới, không có bản quyền thì không thể xuất khẩu. Tuy nhiên, việc thực thi quyền bảo hộ giống cây trồng hiện nay đang bộc lộ một số lỗ hỏng trong cơ chế và chính sách.
“Nếu một đơn vị phát hiện một cá nhân hay tổ chức nào thực hiện sao chép giống thì họ có thể khởi kiện ra tòa hoặc yêu cầu người vi phạm phải nhổ bỏ toàn bộ vườn cây hoặc phải thực hiện các biện pháp khác để khắc phục. Do vậy, chủ vườn cần phải tuân thủ đúng luật chơi, lựa chọn giống có nguồn gốc ngay từ đầu” - ông Bảo cho hay.
Để đảm bảo nguồn giống bản quyền, đáp ứng thị trường xuất khẩu, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cũng đã giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai Dự án nhập khẩu, mua bản quyền giống cây, hoa để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Trên địa bàn tỉnh cũng đã có các doanh nghiệp đi tiên phong về vấn đề bản quyền các giống hoa như: Công ty TNHH Đà Lạt Hasfarm, Công ty TNHH Linh Ngọc... Theo đó, với mục tiêu mang hoa chất lượng cao Đà Lạt đến với khách hàng và vươn ra thị trường quốc tế, hiện nay, Công ty Đà Lạt Hasfarm đã đăng ký bản quyền đối với 4 giống hoa cúc Calimero: Orantec, Snocatec, Classitec, Yelcatec và được bảo hộ giống cây trồng trên toàn châu Á. Công ty TNHH Linh Ngọc cũng đã có 2 giống hoa địa lan được cấp bản quyền bảo hộ tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các ý kiến tham gia đóng góp từ các chuyên gia UPOV, Văn phòng UPOV tại Việt Nam, Hiệp hội và các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực giống cây trồng đã cung cấp thêm thông tin, văn bản quy định pháp luật. Qua đó, giúp cho các hội viên của Hiệp hội hoa Đà Lạt, các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân trồng hoa cập nhật các quy định của pháp luật về bản quyền giống hoa, trao đổi tình hình thực hiện bản quyền giống hoa tại Lâm Đồng. Từ đó, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo hộ giống cây trồng; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không vi phạm bản quyền giống trong thời gian tới, đặc biệt khi Việt Nam tham gia sâu vào Hiệp định thương mại tự do (FTA).