Nâng cao nhận thức bảo vệ rừng thông qua các buổi tuyên truyền
Bằng cách thức truyền tải ngắn gọn, dễ hiểu, những buổi tuyên truyền các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) tại các thôn, bản do các cán bộ kiểm lâm địa bàn truyền tải đã mang lại ý nghĩa thiết thực trong việc thay đổi hành vi, nhận thức của người dân về rừng.
Gần một tuần qua, chị Nông Thùy Dung, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trung tâm (Hạt Kiểm lâm Ngân Sơn) phải di chuyển hàng trăm cây số để đến các thôn làm nhiệm vụ tuyên truyền. Tại xã Thuần Mang, hiện có 17 thôn, bản, trong đó nhiều thôn có địa hình phức tạp, đi lại rất khó khăn. Để đảm bảo công tác tuyên truyền đạt kết quả, chị Dung đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với từng thôn để vận động người dân đến nghe. Bằng hình thức tuyên truyền gần gũi, dễ hiểu, chị Dung đã phổ biến các chính sách về lâm nghiệp, tập trung giao khoán bảo vệ rừng, đăng ký trồng rừng, trồng cây đa mục đích, các quy định, chỉ đạo về chống chặt phá rừng, PCCCR…. Chị còn giải thích cho bà con hiểu thế nào là các hành vi xâm hại, phát phá rừng trái pháp luật, phân biệt 03 loại rừng, những diện tích nào là được phép trồng rừng…
Theo chị Dung thì phần lớn các hộ dân đều sinh sống trên đất có rừng, được nhận các mức giao khoán quản lý, bảo vệ rừng nên quá trình tuyên truyền phải giải thích rõ về chính sách giao khoán để các hộ hiểu, từ đó giúp họ có trách nhiệm giữ rừng, hạn chế các vụ vi phạm.
Anh Đào Quốc Oai, Trưởng thôn Thôm Tà, xã Thuần Mang cho hay: “Thôn tôi có diện tích rừng trên 100ha, có 21 hộ dân chia làm 03 tổ bảo vệ rừng, thực hiện tuần rừng 03 lần/tháng. Thông qua những buổi tuyên truyền về lâm nghiệp nên ý thức giữ rừng, bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng của bà con được nâng lên rõ rệt, tình trạng chặt phá rừng trái phép những năm gần đây giảm rất nhiều”.
Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ có diện tích rừng quản lý lên đến hơn 15.000ha, địa bàn rộng, nơi đây có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài cây, động vật quý hiếm. Để bảo vệ diện tích rừng hiện có, ngoài công tác kiểm tra, thăm nắm địa bàn thì công tác tuyên truyền luôn được đơn vị đề cao. Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên lĩnh vực lâm nghiệp được 79 cuộc với gần 3.000 lượt người tham gia ở các xã Côn Minh, Kim Hỷ, Văn Lang, Lương Thượng (Na Rì); xã Cao Sơn, Vũ Muộn (Bạch Thông). Cấp phát 350 tờ gấp phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp và 800 tờ rơi về nội dung bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.
Ông Lê Xuân Diệu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ cho biết: “Công tác tuyên truyền đã được chúng tôi thực hiện thường xuyên, liên tục. Hạt chỉ đạo các Trạm trực thuộc tham mưu cho UBND xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, lựa chọn nội dung, tài liệu phù hợp, lồng ghép tuyên truyền tại các buổi họp thôn, xã nhằm truyền tải đầy đủ các văn bản, quy định về quyền và nghĩa vụ, chính sách giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra phối hợp với cơ quan chuyên môn huyện thực hiện các bản tin trên loa phát thanh, cấp phát tờ rơi cho học sinh, người dân, qua mạng xã hội để người dân không phát, phá rừng trái phép, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, săn bắt động vật hoang dã, tự nguyện giao nộp cưa xăng”.
Có thể thấy, công tác tuyên truyền đã mang lại hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức, hành vi người dân đối với rừng, từ đó giảm thiểu các vụ khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép. Góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, khuyến khích được cộng đồng dân cư tích cực tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng./.