Nâng cao nhận thức bình đẳng giới để phòng, chống bạo lực gia đình

Chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới (BĐG) và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 là 'Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em', diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12 trên phạm vi cả nước nhằm thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Đây cũng là dịp để toàn xã hội nâng cao nhận thức và hành động trong việc thực hiện mục tiêu BĐG, phòng, chống bạo lực gia đình.

 Đào tạo nghề cắm hoa nghệ thuật miễn phí cho hội viên phụ nữ Phường 2, thành phố Đông Hà - Ảnh: H.T

Đào tạo nghề cắm hoa nghệ thuật miễn phí cho hội viên phụ nữ Phường 2, thành phố Đông Hà - Ảnh: H.T

Những năm qua, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và địa phương của tỉnh Quảng Trị đã triển khai đồng bộ, hiệu quả 7 mục tiêu và 30 tiêu chí cùng các nhóm giải pháp của Chiến lược quốc gia về BĐG và Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về công tác BĐG giai đoạn 2011 - 2020. Đồng thời, quan tâm thực hiện Nghị quyết số 11 -NQ/ TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cùng các chính sách liên quan đến phụ nữ. Qua đó, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới và hải đảo thực hiện các quyền cơ bản và phát huy vai trò của mình trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Vị trí của người phụ nữ từng bước được nâng lên trên nhiều lĩnh vực như tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, văn hóa…

Đối với thực hiện BĐG trong đời sống gia đình đã từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, ý thức nam giới trong việc chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái ngày càng thể hiện rõ nét, tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội cống hiến năng lực cho công tác xã hội. Đặc biệt, nhận thức về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình của người dân được cải thiện đáng kể. Nếu như năm 2011, toàn tỉnh xảy ra 1.632 vụ, thì đến năm 2016 còn 320 vụ, đến hết năm 2019, giảm còn 134 vụ bạo lực gia đình. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 mô hình phòng chống bạo lực gia đình theo chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 16 mô hình hoạt động độc lập; 60 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 142 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 449 địa chỉ tin cậy cộng đồng; 345 đường dây nóng và hầu hết các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đều có các tổ hòa giải.

Chị Lê Thị Nga, hội viên Hội Phụ nữ Khu phố 3, Phường 1, thành phố Đông Hà chia sẻ: “Là phụ nữ, tôi nghĩ rằng BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới là vấn đề cần phải được quan tâm thường xuyên, liên tục và giải quyết một cách thấu đáo. Ở các gia đình, không ít trường hợp người chồng đã vướng vào các tệ nạn xã hội như nghiện rượu, cờ bạc, ma túy, mại dâm… về nhà lại còn đánh đập, hành hạ về cả thể xác và tinh thần vợ con. Cũng có trường hợp các thành viên khác trong gia đình đã tiếp tay cho hành vi bạo lực như mẹ xúi giục con trai dạy vợ bằng nắm đấm, ông bà yêu cầu phải dạy các cháu bằng roi vọt, sự hà khắc… Những hành động này phần nhiều không xuất phát từ suy nghĩ tiêu cực mà do quan điểm khác nhau của mỗi người nhưng lại tác động rất lớn đến người thực hiện hành vi bạo lực. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ từng bước nâng cao nhận thức về phòng ngừa bạo lực và thực hiện BĐG. Nhờ vậy, bản thân tôi và nhiều chị em đã ý thức được việc tự bảo vệ mình và bảo vệ gia đình, động viên nhau từng bước đấu tranh vì BĐG”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, định kiến giới và tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn tồn tại khá phổ biến trong gia đình và một bộ phận dân cư xã hội, trở thành rào cản trong quá trình thực hiện BĐG. Vấn đề bất BĐG trong xã hội nói chung và trong gia đình nói riêng vẫn tồn tại dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra. Tình trạng bất BĐG, bạo lực trên cơ sở giới tập trung vào phụ nữ và trẻ em như mua bán dâm và mua bán phụ nữ, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn đang là vấn đề nổi cộm cần được quan tâm.

Hằng năm, toàn tỉnh có hàng trăm vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ từ 15 - 59 tuổi và nhiều trường hợp tảo hôn, tập trung chủ yếu ở các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số làm giảm chất lượng giống nòi, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong nhận thức của cộng đồng, bạo lực gia đình vẫn được xem là vấn đề riêng của mỗi gia đình, chỉ đến khi mức độ bạo lực quá nghiêm trọng, gây nhiều thương tích thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc giải quyết.

Để công tác BĐG và phòng, chống bạo lực đạt kết quả tốt hơn, tại Lễ phát động Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Luật BĐG, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em; các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về BĐG, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi nhận thức và định kiến về giới, BĐG cho các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội.

Đồng thời, cần xây dựng và thực hiện tốt các chính sách nhằm tăng quyền năng cho phụ nữ bằng cách lồng ghép giới trong tất cả các hoạt động của đời sống chính trị, xã hội. Ưu tiên bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực để thực hiện tốt công tác trẻ em và BĐG, công tác đào tạo nghề, hạn chế sự phụ thuộc về kinh tế của phụ nữ trong gia đình. Nâng cao tính tự chủ của phụ nữ để họ tích cực tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; mỗi tổ chức, mỗi cá nhân phải là một tuyên truyền viên vận động gia đình, người thân và cộng đồng cùng nói không với bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=153334