Nâng cao nhận thức cộng đồng, giải pháp quan trọng giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị chịu ảnh hưởng nặng nề của nhiều loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, lốc tố, sạt lở đất… Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường thì việc chủ động xây dựng các giải pháp phòng chống thiên tai được đặt lên hàng đầu. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn ông LÊ QUANG LAM, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh.

- Thưa ông! Trận lũ lụt lịch sử xảy ra năm 2020 đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, việc khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai là vấn đề tỉnh đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Đề nghị ông cho biết kết quả huy động các nguồn lực hỗ trợ đối với hoạt động này?

- Thưa ông! Trận lũ lụt lịch sử xảy ra năm 2020 đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, việc khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai là vấn đề tỉnh đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Đề nghị ông cho biết kết quả huy động các nguồn lực hỗ trợ đối với hoạt động này?

- Chỉ tính riêng năm 2020, thiên tai đã làm 56 người chết, 1 người mất tích, 53 người bị thương, ước tổng giá trị thiệt hại 4.252 tỉ đồng. Ngay khi thiên tai xảy ra, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc để tập trung lực lượng về cơ sở chỉ đạo khắc phục hậu quả; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời người dân khắc phục thiệt hại. Tính đến giữa tháng 4/2021, tỉnh Quảng Trị đã huy động gần 420 tỉ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 210 tỉ đồng; kinh phí của tỉnh trên 23 tỉ đồng; kinh phí hợp pháp khác gần 185 tỉ đồng. Nguồn lực này đã góp phần quan trọng hỗ trợ các địa phương trong tỉnh khôi phục sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, sửa chữa khẩn cấp các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng do bão, lũ, nhất là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, đê điều… giúp Nhân dân sớm ổn định đời sống sản xuất.

- Để chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả, tỉnh đã tập trung kiện toàn, nâng cao năng lực của Ban chỉ huy PCTT & TKCN các cấp, ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

- Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã được kiện toàn theo Quyết định số 938/QĐ-UBND ngày 26/4/2019 của UBND tỉnh. Ngay sau kiện toàn, Ban chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, trong đó có sự điều chỉnh, phân công nhiệm vụ đối với các thành viên đảm bảo hiệu quả và phù hợp theo tình hình thực tế. Đến nay, tất cả các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn cũng đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT & TKCN theo quy định.

Bên cạnh việc chú trọng nâng cao năng lực trong tổ chức, bộ máy các cơ quan quản lý về PCTT &TKCN, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, điều kiện làm việc nhằm đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng chống thiên tai. Trung tâm điều phối thông tin đặt tại Văn phòng Ban chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh, đảm bảo liên lạc thông suốt với các địa phương thông qua các trạm vệ tinh cố định, trạm vệ tinh di động, bộ đàm cầm tay… Bên cạnh đó, các loại vật tư, phương tiện phục vụ phòng chống thiên tai như áo phao, nhà bạt cứu sinh, xe cứu hộ, tàu thuyền cứu nạn, xe chữa cháy, ca nô… cũng được trang bị đầy đủ. Hệ thống các trạm cảnh báo thiên tai được đầu tư tương đối đồng bộ, đảm bảo nâng cao chất lượng trong thông tin, cảnh báo, dự báo các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

 Các lực lượng giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2020 -Ảnh: L.T

Các lực lượng giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ năm 2020 -Ảnh: L.T

- Trong phòng chống thiên tai thì kỹ năng ứng phó của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng có phải là yếu tố quan trọng để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra không, thưa ông?

- Đúng vậy, chính vì điều này mà trong những năm qua tỉnh rất chú trọng về công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai. Từng bước chuyển dần từ khâu ứng phó sang phòng ngừa là chính.

Quảng Trị đã triển khai thực hiện đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng theo Quyết định 1002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại 62 xã/phường/thị trấn. Mục tiêu phấn đấu trong thời gian sớm nhất đạt chỉ tiêu 100% cán bộ tham gia trực tiếp công tác phòng chống thiên tai được tập huấn nâng cao năng lực, 70% số người dân thuộc vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai được phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai và duy trì hoạt động của đội xung kích. Tuy vậy, nhận thức cộng đồng dân cư đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa, người dân tộc thiểu số về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai còn hạn chế nên công tác truyền thông, tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Một số công việc phải được triển khai thường xuyên ngay trước mùa lụt, bão như chằng, chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối... nhưng đến khi có tin bão, lũ đến người dân mới thực hiện, dẫn đến tình trạng trở tay không kịp. Tính chủ động ứng phó trong từng hộ dân còn thấp, còn ỷ lại vào chính quyền và sự trợ giúp của lực lượng vũ trang. Phương châm “Chủ động phòng, tránh, thích nghi để phát triển” và “4 tại chỗ” trong cả 3 giai đoạn trước, trong và sau thiên tai ở một số địa phương chưa được chú trọng.

- Theo ông, khó khăn, tồn tại lớn nhất trong công tác phòng chống thiên tai của tỉnh những năm qua là gì?

- Mặc dù công tác PCTT &TKCN đã được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện nhưng bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế, đó là: Ngân sách địa phương và nguồn vốn trung ương phân bổ hằng năm cho các chương trình, dự án phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế cấp thiết tại địa phương nên nhiều công trình cơ sở hạ tầng phục vụ phòng chống thiên tai chưa được đầu tư đồng bộ.

Hiện nay, các đê bao đã xuống cấp, các công trình kè chống xói lở bờ sông, bờ biển chưa có giải pháp đầu tư triệt để nên nhiều công trình chưa đảm bảo tuyệt đối an toàn trước tình hình thiên tai cực đoan, biến đổi khí hậu. Đa số các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ những năm 80- 90 của thế kỷ 20, biện pháp thi công chủ yếu bằng thủ công, các tiêu chuẩn thiết kế áp dụng chưa phù hợp trong điều kiện hiện nay, đặc biệt nhiều hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ. Một số hệ thống giao thông và các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh khi đầu tư xây dựng không tính toán thủy văn công trình đồng bộ, kết nối để bố trí hệ thống thoát lũ hợp lý dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ tại nhiều khu vực khi có mưa lớn xảy ra, tình trạng lấn chiếm lòng sông gây cản trở thoát lũ vẫn còn diễn biến phức tạp... Công tác tuyên truyền, triển khai phòng chống các tình thế thiên tai xảy ra đột xuất trong thời gian ngắn như lũ ống, lũ quét, lốc xoáy, giông sét, mưa đá... ở cấp cơ sở còn chưa được chú trọng, có biểu hiện chủ quan.

- Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, nhiệm vụ trọng tâm công tác phòng chống thiên tai trong năm 2021 được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Khắc phục những tồn tại, hạn chế và rút kinh nghiệm từ công tác phòng chống thiên tai năm 2020, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai; chủ động tổ chức việc phòng chống, xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn, nhất là phương án phòng, tránh bão mạnh, siêu bão đổ bộ trực tiếp gây lũ lớn.

Trên cơ sở Kế hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ban hành năm 2019, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp từng vùng, từng khu vực. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2021 và định hướng xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025.

Các địa phương, đơn vị khẩn trương chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả nguồn kinh phí; tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm sâu sắc công tác phòng chống thiên tai và đề ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả cho năm 2021 và các năm tiếp theo. Tăng cường hoạt động đội xung kích phòng chống thiên tai tại từng xã, thôn, bản để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ đầu năm. Thực hiện phòng chống thiên tai theo ba giai đoạn “phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả”, bám sát phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện liên tục, thường xuyên công tác tuyên truyền về thiên tai, các biện pháp cho từng loại hình, từng vùng. Khắc phục bệnh chủ quan và cách làm thiếu cụ thể, kém hiệu quả. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kịch bản diễn tập và tiến hành diễn tập PCTT & TKCN trước mùa mưa, bão năm 2021. Rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng chống thiên tai tại cấp tỉnh; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác. Có kế hoạch bổ sung phương tiện và các trang thiết bị phục vụ công tác thông tin chỉ đạo phòng chống thiên tai ngay từ đầu năm.

- Xin cảm ơn ông!

Lâm Thanh (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=157915&title=nang-cao-nhan-thuc-cong-dong-giai-phap-quan-trong-giam-thieu-thiet-hai-do-thien-tai