Nâng cao nhận thức cộng đồng về ô nhiễm không khí
Các trạm đo chất lượng không khí (AQM) đã được lắp đặt tại các trường học và tổ chức xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về mức độ ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng.
Các trạm đo chất lượng không khí (AQM) đã được lắp đặt tại các trường học và tổ chức xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về mức độ ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng.
Đây là dự án đánh giá chất lượng không khí do Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh khởi xướng từ năm 2019, vừa được Ðại học RMIT cùng Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Ðổi mới sáng tạo thành phố (Saigon Innovation Hub) và tổ chức môi trường Clean Air Asia triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Hữu Nhân, giảng viên ngành quản trị du lịch và khách sạn tại Ðại học RMIT Việt Nam kiêm thành viên dự án AQM chia sẻ, mục tiêu của việc lắp đặt các trạm đo chất lượng không khí nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề ô nhiễm. Ðội phụ trách dự án từ phía RMIT đã phối hợp chặt chẽ với các trường học và tổ chức xã hội tại TP Hồ Chí Minh để lắp đặt 13 máy đo chất lượng không khí ở tám quận, huyện nhằm dạy các em nhỏ hiểu biết hơn về bầu không khí các em đang hít thở. "Trẻ em được chọn làm đối tượng chính vì ô nhiễm không khí sẽ tác động đến các em trong quá trình các em lớn lên và để lại nhiều biến chứng sức khỏe sau này", ông Nhân giải thích. Theo ông Nhân, tác động tích cực của việc lắp đặt các máy đo chất lượng không khí tại các trường học đã thật sự nâng cao ý thức tham gia bảo vệ môi trường của các em nhỏ. Từ khi lắp đặt máy tại Trường THCS Thanh Ða, các em học sinh đã tích cực và chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường hơn, như phân loại và giảm thiểu rác thải, trồng cây, đeo khẩu trang khi đi đường để hạn chế bụi và ô nhiễm.
Hiện tổng số trạm đo chất lượng không khí tại TP Hồ Chí Minh đã lên con số 18. Người dùng có thể truy cập xem các chỉ số chất lượng không khí đo bằng các thiết bị AQM qua ứng dụng điện thoại AirVisual. Dữ liệu thu thập được từ các trạm được kỳ vọng sẽ là nguồn thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, chính phủ, chuyên gia trong ngành và trường học, nhằm cải thiện hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng và xử lý chất thải, đồng thời cân nhắc các giải pháp môi trường khác. Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí thực hiện, ô nhiễm không khí tại thành phố đến từ ba nguồn chính: Nguồn giao thông chiếm khoảng 50%, nguồn diện (hoạt động từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng...) chiếm khoảng 30%, còn lại là nguồn điểm (hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn). Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) TP Hồ Chí Minh cho biết: Trung tâm đã quan trắc chất lượng không khí tại 30 vị trí với tần suất 10 ngày mỗi tháng vào hai thời điểm 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút và 15 giờ đến 16 giờ. Số liệu quan trắc tại 19 vị trí giao thông cho thấy, hơn 50% là bụi lơ lửng, gần 94% là mức ồn - vượt quy chuẩn cho phép. Trong chín tháng đầu năm 2019, nồng độ các chất ô nhiễm tại vị trí Cát Lái (quận 2), ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (quận 7), Gò Vấp, An Sương, Bình Phước thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vòng xoay Mỹ Thủy ở mức cao nhất. Quan trắc không khí tại 30 vị trí cho kết quả ô nhiễm không khí nặng nhất là vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2) với 99% bụi lơ lửng, 100% tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép.
Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí theo ông Sơn đến từ ba nguồn: Hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và xây dựng. Trong đó, ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất bởi thành phố hiện có khoảng 10 triệu phương tiện (7,6 triệu xe máy, 700 nghìn ô-tô, còn lại là xe của người tỉnh, thành phố khác mang vào); 37 điểm thường xuyên kẹt xe… cho nên lượng khí thải độc hại ra môi trường là rất lớn. Ðể giảm ô nhiễm, ông Sơn cho rằng cơ quan chức năng cần kiểm soát được nguồn ô nhiễm. Sở TN và MT sẽ hoàn tất đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường trình UBND thành phố và triển khai thực hiện trong năm 2020. Về việc công bố kết quả quan trắc chậm, ông Sơn nhìn nhận đây là hạn chế của Trung tâm bởi vẫn phải quan trắc bằng biện pháp thủ công gián đoạn, cần có thời gian lấy mẫu, phân tích mẫu… cho nên cần nhiều thời gian. "Với tình hình như vậy, việc công bố kết quả sau một tuần cũng là tương đối kịp thời để khuyến cáo người dân", ông Sơn mong người dân chia sẻ. Ông Sơn cũng cho biết, năm 2020 khi triển khai đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường sẽ có chín trạm quan trắc không khí tự động liên tục cố định và một trạm quan trắc không khí tự động liên tục di động. Khi đó, kết quả quan trắc sẽ được cung cấp đến người dân nhanh hơn. Thành phố sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý mạng lưới quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng; xây dựng các phần mềm chuyên dụng để cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đến người dân hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại thông minh và tiến đến dự báo về ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn.