Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai

Tình hình thiên tai, bão lũ nhiều khi cực đoan, khốc liệt, khó lường, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì vậy, nâng cao nhận thức cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại là một trong những giải pháp được chú trọng triển khai.

Diễn tập ứng phó bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn huyện Hạ Hòa năm 2022.

Trên địa bàn tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai như lốc xoáy, dông sét, hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 23 đợt thiên tai gây thiệt hại về người, tài sản và sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị thiệt hại ước tính 22 tỉ đồng. Để phòng, chống thiên tai (PCTT) hiệu quả, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp tổng hợp, kết hợp giữa công trình và phi công trình, được lồng ghép vào các chương trình, dự án.

Thực hiện quan điểm, mục tiêu: “Phòng tránh là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến các kiến thức, kỹ năng phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai được triển khai bằng nhiều hình thức. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo thiên tai đến từng khu dân cư, thôn, bản và người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai. Công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên, kịp thời với nhiều hình thức đa dạng, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng, từng vùng, gắn với triển khai tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.

Các huyện, thành, thị cùng các sở, ngành đã phối hợp với nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch phổ biến các kỹ năng phòng chống, ứng phó với thiên tai. Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức, đoàn thể phát huy tốt các phong trào để tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân như tổ chức tập huấn, hội nghị, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề cho thanh niên, hội viên phụ nữ, chữ thập đỏ về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, các biện pháp phòng, chống đối với một số loại hình thiên tai. Trong đó, năm 2021, Hội Chữ thập đỏ đã tổ chức 11 lớp tập huấn về phòng ngừa, ứng phó thiên tai cho các đội phòng ngừa ứng phó thiên tai cấp huyện, xã; thực hiện chương trình phối hợp với UBND huyện Tam Nông về mô hình “Cộng đồng an toàn” tại xã Tề Lễ.

Một trong những lực lượng chính hiện nay để thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong PCTT là lực lượng xung kích tại các xã, phường, thị trấn. Tính đến nay, đã có 225/225 xã, phường, thị trấn thuộc 13 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh xây dựng và củng cố lực lượng xung kích PCTT với gần 18.000 người, trong đó bao gồm các lực lượng chính là dân quân tự vệ, thanh niên xung kích, lực lượng quản lý đê nhân dân…

Huyện Cẩm Khê với đặc thù địa hình có nhiều xã nằm xen kẽ giữa vùng đồi núi với vùng sâu trũng, ven sông nên thường bị ngập úng, ảnh hưởng do mưa lũ. Giai đoạn 2016-2021, thiên tai xảy ra trên địa bàn đã làm 2.700ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; sạt lở 800m bờ, vở sông; hư hại 1.000m đường giao thông, tám cống qua đê, 800m kênh mương thủy lợi và nhiều tài sản khác.

Ông Trần Thanh Thúy - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Từ thực tiễn ứng phó với sự cố thiên tai cho thấy sự chủ động, ý thức người dân trong PCTT góp phần ứng phó với thiên tai hiệu quả. Các xã trên địa bàn huyện tăng cường thông tin truyền thông, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai; đảm bảo thông tin được phổ biến tới từng người dân tại các khu vực thường xuyên bị thiên tai. Đồng thời củng cố, kiện toàn các đội xung kích PCTT tại các xã, thị trấn để chủ động ứng phó và khắc phục ảnh hưởng thiên tai.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì nhận thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp về tác động nguy hiểm của thiên tai còn chưa cao; trong quá trình sản xuất, sinh hoạt một số bộ phận người dân còn tâm lý chủ quan.

Do đó, kết quả của công tác PCTT phụ thuộc rất lớn vào ý thức, trách nhiệm của cộng đồng và mỗi cá nhân. Nâng cao nhận thức, ý thức của người dân và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền cơ sở trong công tác PCTT sẽ góp phần đảm bảo sự chủ động trong phòng ngừa, xử lý sự cố thiên tai, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/nang-cao-nhan-thuc-cong-dong-ve-phong-chong-thien-tai/185404.htm