Nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về dịch bệnh

Tháng 6/2020, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SCI) phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị thực hiện dự án 'Tăng cường truyền thông và gắn kết cộng đồng trong phòng ngừa rủi ro COVID-19' dành cho người dân 2 xã A Vao, A Bung huyện Đakrông. Dù được triển khai trong thời gian ngắn nhưng dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về phòng, chống COVID-19.

 Cán bộ xã A Vao tuyên truyền và hướng dẫn cách đeo khẩu trang cho người dân địa phương - Ảnh: T.P

Cán bộ xã A Vao tuyên truyền và hướng dẫn cách đeo khẩu trang cho người dân địa phương - Ảnh: T.P

Thay đổi nhận thức từ những điều nhỏ nhất

Đã thành thông lệ, đều đặn vào 6 giờ sáng và 15 giờ chiều mỗi ngày, người dân xã A Vao, huyện Đakrông lại thấy bóng dáng nhỏ nhắn của chị Hồ Thị K Trĩu, cán bộ văn hóa - thông tin xã A Vao trên chiếc xe máy có gắn loa phát thanh đi vào từng thôn, bản để tuyên truyền các thông tin liên quan đến COVID-19. Đây là một trong những nhiệm vụ nhằm giúp người dân địa phương hiểu đúng về dịch bệnh, từ đó có những thay đổi về nhận thức và hành vi của mình. Chị K Trĩu cho biết: “Người dân nơi đây đa phần hiểu biết rất hạn hẹp về COVID-19. Để góp phần khắc phục điều này, được sự hỗ trợ từ dự án “Tăng cường truyền thông và gắn kết cộng đồng trong phòng ngừa rủi ro COVID-19”, chúng tôi đã thực hiện nhiều cách thức truyền thông khác nhau nhằm giúp bà con thay đổi ý thức, hành vi của mình”.

Có thể thấy rằng, thông qua dự án này, người dân các xã A Vao, A Bung đã dần nâng cao tầm nhận thức về COVID-19. Như ông Hồ Văn Bội sống tại thôn A Vao, xã A Vao là một ví dụ. Trước đây, ông Bội vô cùng khó chịu khi phải đeo khẩu trang ra đường bởi nó tạo cho ông cảm giác khó thở, vướng víu, vì vậy ông bỏ hẳn việc đeo khẩu trang dù trước đó đã biết thông tin về COVID-19. Ông Bội cho biết: “Lúc đó, bản thân tôi cũng không để tâm nhiều về dịch bệnh vì nghĩ rằng nó sẽ không thể xuất hiện ở nơi mình đang sống. Sau này, được các cán bộ xã tuyên truyền, thông tin đều đặn về loại dịch bệnh nguy hiểm này, tôi dần hiểu ra tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang, đó là cách đơn giản nhất giúp tôi và mọi người tránh xa dịch bệnh. Giờ đi đâu cũng phải đeo khẩu trang thôi”. Không chỉ ông Bội, nhiều người dân ở A Vao, A Bung bây giờ đã coi trọng việc đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn và hạn chế tập trung đông người để phòng, chống dịch bệnh.

Dự án “Tăng cường truyền thông và gắn kết cộng đồng trong phòng ngừa rủi ro COVID-19” được triển khai tại 2 xã A Vao và A Bung, huyện Đakrông với tổng kinh phí gần 1,4 tỉ đồng do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Đại học Johns Hopkins tài trợ đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân. Để đạt được hiệu quả tối đa, các cơ quan thực hiện dự án đã trang bị cho 2 xã và 2 trường tiểu học & trung học cơ sở trên địa bàn hơn 2.600 poster truyền thông, 6.500 khẩu trang y tế và 65 chai nước sát khuẩn; phân bổ 6 loa di động, 10 loa cầm tay về một số thôn và trường học; cấp và hỗ trợ lắp đặt 13 cụm loa truyền thanh không dây. Cùng với đó, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực truyền thông cho các cán bộ thôn, xã và giáo viên các trường học trên địa bàn… để phục vụ hoạt động truyền thông phòng, chống COVID-19 trong trường học và cộng đồng. Trong 4 tháng triển khai dự án, ban điều hành dự án các cấp đã thực hiện truyền thông bằng nhiều cách thức khác nhau từ trực tiếp cho đến gián tiếp như: Tổ chức 150 buổi truyền thông nhóm tại các thôn, bản cho 3.000 người; tổ chức cuộc thi truyền thông phòng, chống COVID-19 trong môi trường học đường; tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, TV spot... với tần suất liên tục.

Cần nhân rộng mô hình truyền thông trong tình hình mới

Điểm mấu chốt tạo nên thành công của dự án có lẽ phải kể đến hoạt động thu âm và phát các bản tin, thông điệp tuyên truyền phòng, chống COVID-19 bằng tiếng Pa Kô. Nhờ các bản thu âm này, người dân các xã A Bung, A Vao có thể nghe và hiểu rõ về nội dung tuyên truyền rồi từ đó làm theo, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng dân cư. Cùng với việc truyền đi thông điệp, đội ngũ cán bộ dự án cũng đã rất thành công trong vấn đề giải quyết, dập tắt các tin đồn thất thiệt về dịch bệnh nguy hiểm này. Chị K Trĩu cho hay: “Cái khó của chúng tôi trong công tác truyền thông là nhận thức của người dân các địa phương. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của mọi người về COVID-19, một số đối tượng đã tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang trong cộng đồng dân cư”. Để giúp người dân hiểu đúng về dịch bệnh, phân biệt được thông tin chính thống và tin đồn, ban điều hành dự án các xã cùng với cán bộ dự án cấp huyện, tỉnh đã tiến hành thăm hỏi và phỏng vấn người dân địa phương để thu thập những thông tin sai về dịch bệnh rồi trực tiếp giải thích và tuyên truyền các biện pháp phòng, chống. Trong thời gian thực hiện dự án, chị K Trĩu cùng các cán bộ xã đã thu thập và xử lý được 9 tin đồn thất thiệt tại địa phương. Nghe có người mách rằng ăn nhiều tỏi sẽ chống được COVID-19, chị H.T.M (38 tuổi) cùng một số chị em trong thôn đã ra chợ mua nhiều tỏi về trữ ăn dần. Tuy nhiên, đây là thông tin không đúng sự thật. Sau khi được các cán bộ dự án giải thích rõ, chị M. hiểu ra và không tin vào lời đồn đại nữa mà tập trung lắng nghe các nội dung trên hệ thống truyền thanh và làm theo các biện pháp phòng dịch của cơ quan chức năng.

Đến thời điểm hiện tại, dự án mang nhiều ý nghĩa này đã kết thúc. Tuy nhiên, những hiệu quả mà dự án mang lại ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn được phát huy. Được biết thời gian qua, nhờ có kiến thức về COVID-19 mà người dân các xã A Vao, A Bung đã kịp thời báo cho lực lượng bộ đội biên phòng, cán bộ y tế và chính quyền xã khi phát hiện những người nhập cảnh trái phép bằng đường mòn, lối mở…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc cho biết: “Địa phương đánh giá cao những tác động tích cực của dự án đối với nhận thức của người dân các xã A Vao, A Bung trong phòng, chống COVID-19 và mong muốn dự án sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn lại của huyện để nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh của người dân”.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155610