Nâng cao nhận thức của người dân về tội phạm mua, bán người
Những năm gần đây, tình hình tội phạm và tệ nạn mua bán người diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, tính chất nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự (ANTT). Tuy nhiên, nhận thức của người dân về loại tội phạm, tệ nạn này còn khá mơ hồ, thiếu cảnh giác hoặc chưa có những kỹ năng xử lý trong nhiều tình huống.
Những năm gần đây, tình hình tội phạm và tệ nạn mua bán người diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, tính chất nghiêm trọng với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự (ANTT). Tuy nhiên, nhận thức của người dân về loại tội phạm, tệ nạn này còn khá mơ hồ, thiếu cảnh giác hoặc chưa có những kỹ năng xử lý trong nhiều tình huống.
Ngày 1/7/2022, Công an tỉnh Hà Nam phối hợp với đơn vị chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ Lại Thị Loan (trú thôn Đông, Khả Phong, Kim Bảng) và Nguyễn Mạnh Chiến (trú tại thôn Trung Hòa, Thụy Lôi, Kim Bảng) đang tổ chức cho 6 người di chuyển với mục đích trốn sang Campuchia. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã lôi kéo, dụ dỗ 6 nam, nữ thanh niên ở tỉnh Hà Nam và Sơn La với lời hứa hẹn đưa sang Campuchia làm việc cho một cơ sở chăm sóc khách hàng chơi game, với mức lương 900 USD/người/tháng. 6 người này mỗi người sẽ phải nộp cho Loan số tiền 4 triệu đồng. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, thủ đoạn của các đối tượng này là sau khi qua Campuchia, nạn nhân sẽ bị đưa vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo...; bị cưỡng ép lao động 12-16 giờ/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc (3.000- 30.000 USD) mới cho về nước.
Điều đáng lo ngại là việc đưa ra lời hứa hẹn về xuất khẩu lao động “việc nhẹ, lương cao” đang là một trong những “bẫy” lừa đảo phổ biến gần đây của tội phạm mua bán người. Lợi dụng mạng xã hội, các đối tượng đưa ra những hình ảnh, video, thông tin sai sự thật về cơ hội việc làm nhằm dụ dỗ, tạo lòng tin của người lao động với những lời hứa thiếu căn cứ như công việc nhẹ nhàng nhưng lương cao; làm việc theo sở trường, sở thích... Tuy nhiên, khi nạn nhân đã “sập bẫy” thì giấc mơ “đổi đời” đâu không thấy mà chỉ thấy bị đưa vào các sòng bạc làm việc; bị cưỡng ép lao động; bị hành hạ, ngược đãi, chịu sự quản thúc; nếu bỏ trốn sẽ bị đánh đập, bán sang cơ sở khác và tiếp tục bị bóc lột; muốn về phải nộp tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều gia đình phải vay nợ lấy tiền chuộc dẫn đến kinh tế sa sút.
Ngoài lừa đảo xuất khẩu lao động không đúng với tư vấn, thỏa thuận theo hợp đồng, hành vi mua bán người còn có nhiều biểu hiện khác tinh vi, khó nhận diện hơn như: lừa môi giới lấy chồng nước ngoài; đẻ thuê núp bóng từ thiện nhân đạo; trẻ em, người ăn xin có đối tượng chăn dắt; cưỡng bức lao động bằng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực; nô lệ tình dục do bị lệ thuộc mà buộc phải phục vụ nhu cầu tình dục của người khác… Đối tượng mà chúng nhắm đến không chỉ là phụ nữ, trẻ em (nhóm người yếu thế) mà là bất cứ ai nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, mang lại lợi ích về tiền bạc, sức lao động…
Phạm vi mua bán người cũng không nhất thiết là lừa bán sang nước ngoài mà hoàn toàn có thể diễn ra trong nước hay chính tại địa phương đang cư trú. Trên thực tế, thủ đoạn của kẻ buôn người ngày càng tinh vi, nhưng nhận thức của người dân về loại tội phạm này còn khá mơ hồ. Trong một buổi tuyên truyền pháp luật về tội phạm mua bán người, chị Nguyễn Thị Kim Đan (Đồn Xá, Bình Lục) chia sẻ: Trước đây tôi chỉ nghĩ phụ nữ, trẻ em và người có sức lao động mới là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Nhưng sau khi nghe buổi tuyên truyền này tôi mới biết, những người trung niên như chúng tôi hoàn toàn có thể trở thành đối tượng của loại tội phạm này. Và mua bán người không chỉ là lừa bắt cóc, bán sang nước ngoài mà còn nhiều hình thức lừa đảo ngay trong nước, thậm chí ngay tại nơi tôi đang sinh sống.
Xác định, tình hình tội phạm mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp, thời gian qua, công tác tuyên truyền đã được các đơn vị chức năng thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo đảm tình hình ANTT tại địa phương. Thượng úy Bùi Phương Thảo, Phó Đội trưởng Đội xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện Bình Lục cho biết: Thời gian vừa qua, đội đã tham mưu lãnh đạo Công an huyện xây dựng chuyên đề tuyên truyền về phòng chống mua bán người. Đăng tải thường xuyên trên facebook công an các xã, thị trấn, hệ thống đài truyền thanh cơ sở nội dung tuyên truyền: “Cảnh giác trước cạm bẫy của kẻ buôn người” và “Cảnh báo sập bẫy lừa đảo sang Campuchia tìm việc nhẹ, lương cao”. Công an huyện cũng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bình Lục, công an các xã, thị trấn tổ chức 6 buổi truyền thông trực tiếp tại cơ sở về nội dung phòng chống tội phạm mua bán người; phát tờ infographic về “Cảnh giác trước cạm bẫy của kẻ buôn người”…
Để góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này, từ đầu năm 2022 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về tội phạm mua bán người cho 120 cán bộ hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở. Đồng thời phối hợp với Công an tỉnh, công an các huyện, thành phố, thị xã tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về tội phạm mua bán người cho cán bộ, hội viên ở cơ sở. Hội LHPN cấp huyện, cấp xã cũng phối hợp tổ chức 18 hội nghị tuyên truyền pháp luật lồng ghép với hoạt động ra mắt nhóm phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật và hòa giải ở cơ sở
Chị Chu Thị Thoa, Phó trưởng Ban Phong trào, Hội LHPN tỉnh cho biết: Tại các buổi tuyên truyền pháp luật, báo cáo viên pháp luật tập trung thông tin tới cán bộ, hội viên, người dân về đối tượng của tội phạm mua bán người; phương thức, thủ đoạn phổ biến hiện nay của tội phạm mua bán người; giải pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người… qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, giúp người dân chủ động trong phòng ngừa cũng như phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn loại tội phạm này.
Để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người, trước hết mọi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Cùng với đó, các đơn vị truyền thông cần xây dựng, duy trì hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, tập trung tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn mới, địa bàn trọng điểm của tội phạm này, những đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân, quyền lợi mà nạn nhân được hỗ trợ, đường dây nóng tiếp nhận thông tin về nạn nhân và vụ việc.
Các địa phương, đơn vị cần tổ chức triển khai có hiệu quả hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng, đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm nạn nhân, nhóm có nguy cơ trở thành nạn nhân cũng như đặc điểm của từng vùng miền. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình truyền thông tại cộng đồng hoạt động có hiệu quả; tổ chức thu thập, nắm bắt kịp thời thông tin, dấu hiệu có liên quan đến mua bán người tại cộng đồng dân cư.