Nâng cao nhận thức để tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất

Ngày 25/11, tại thành phố Huế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Tập huấn kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới.

Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Ngô Diệu Linh phát biểu tại buổi tập huấn.

Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Ngô Diệu Linh phát biểu tại buổi tập huấn.

Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Ngô Diệu Linh cho biết, trong lĩnh vực bình đẳng giới, truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện pháp luật, chính sách; là giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi. Qua đó, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất. Thời gian qua, các cơ quan thông tấn báo chí, phóng viên, biên tập viên và cán bộ làm công tác bình đẳng giới đã lan tỏa những thông điệp, hình ảnh nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ngày càng sâu sắc hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn nhiều rào cản, thách thức xuất phát từ nhận thức gắn với văn hóa Nho giáo truyền thống đã ăn sâu, bám rễ qua nhiều thế hệ và không dễ thay đổi.

Buổi tập huấn diễn ra từ ngày 25 - 26/11 nhằm truyền tải kiến thức, kỹ năng cơ bản cho phóng viên, người làm truyền thông; đồng thời kết nối, kêu gọi sự chung tay, hưởng ứng của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới. Các học viên sẽ được thông tin về cách nhận biết các biểu hiện của giới và giới tính; ý nghĩa của việc phân biệt giới và giới tính trong truyền thông bình đẳng giới; tìm hiểu về bình đẳng giới, đặc điểm bình đẳng giới, lồng ghép giới và một số ngộ nhận về bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái… Trên các sản phẩm báo chí, các học viên cùng chuyên gia, giảng viên phân tích, tìm ra giải pháp truyền thông về bình đẳng giới, nguyên tắc đưa tin nhạy cảm về giới.

Quang cảnh buổi tập huấn.

Quang cảnh buổi tập huấn.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện vấn đề bình đẳng giới rất sớm. Ngay sau khi giành được độc lập năm 1945, trong Hiến pháp đầu tiên của đất nước đã có một điều quy định về sự bình quyền toàn diện trên mọi lĩnh vực giữa nam và nữ. Hệ thống văn bản pháp lý ở một số luật được thiết kế tạo điều kiện cho phát triển bình quyền nam nữ... Điển hình, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chặt chẽ tại Luật Xuất bản, Luật Quảng cáo, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội… từng bước xóa bỏ những thông điệp, hình ảnh mang định kiến giới trong các sản phẩm văn hóa, thông tin, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về giới trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã và đang nỗ lực thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình truyền thông về bình đẳng giới. Trong đó, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các cấp trong việc tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện bình đẳng giới trong gia đình và ngoài xã hội. Ngoài ra, nhiều chính sách, chương trình, hoạt động truyền thông được triển khai nhằm nâng cao và đẩy mạnh vai trò, vị thế, tạo cơ hội tiếp cận cho phụ nữ và trẻ em gái...

Tin, ảnh: Mai Trang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nang-cao-nhan-thuc-de-tien-toi-thuc-hien-binh-dang-gioi-thuc-chat-20241125163630438.htm