Nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh môi trường

ĐBP - Triển khai thực hiện hợp phần vệ sinh nông thôn thuộc Chương trình 'Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả', trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 35 xã đạt vệ sinh toàn xã; 10 xã đạt vệ sinh toàn xã bền vững. Nhận thức của cộng đồng về vệ sinh môi trường không ngừng nâng lên, giúp người dân thay đổi hành vi, thói quen trong sinh hoạt; giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần đảm bảo sức khỏe và nâng cao chất lượng sống.

Nhà tiêu hợp vệ sinh của gia đình anh Lò Văn Đức, bản Phiêng Đất A, xã Nậm Nèn.

Nậm Nèn là xã còn khó khăn của huyện Mường Chà, nhiều hộ chưa bố trí được kinh phí để làm nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ năm 2018, khi triển khai chương trình vệ sinh nước sạch nông thôn, xã Nậm Nèn đã chọn 6/8 bản để làm điểm. Qua 1 năm triển khai, Nậm Nèn đã đạt vệ sinh toàn xã với tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 89% và 99% hộ gia đình có điểm rửa tay với xà phòng.

Trước đây, gia đình anh Lò Văn Đức, bản Phiêng Đất A, xã Nậm Nèn cũng như nhiều gia đình khác trong bản vẫn giữ thói quen sử dụng nhà vệ sinh tạm bợ. Điều này không những gây ảnh hưởng đến môi trường mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mọi người trong gia đình. Anh Đức cho biết: Năm 2018, khi triển khai Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” tại bản, gia đình tôi đã đăng ký tham gia và được hỗ trợ hơn 1 triệu đồng, cộng thêm với số tiền tự bỏ ra, gia đình tôi đã xây nhà tiêu hợp vệ sinh 3 ngăn đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhờ đó, sức khỏe của mọi người trong gia đình được bảo đảm, ít mắc các bệnh về đường tiêu hóa.

Được biết, năm 2021 xã Nậm Nèn sẽ có thêm 50 gia đình tại bản Phiêng Đất B được hỗ trợ làm nhà vệ sinh. Điều này không chỉ nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn xã mà còn góp phần không nhỏ cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân nông thôn, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Triển khai Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới, Điện Biên là một trong 21 tỉnh khó khăn thuộc miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ được thụ hưởng. Từng bước khắc phục khó khăn, chương trình được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2016, đến nay đã mang lại những chuyển biến tích cực. Những kết quả được nêu ra tại hội nghị tổng kết Chương trình “Mở rộng quy mô và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” giai đoạn 2016 - 2020 (lĩnh vực y tế) diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua là minh chứng rõ nhất cho thấy những hiệu quả tích cực từ chương trình, được người dân đồng tình hưởng ứng. Toàn tỉnh có 35 xã đạt vệ sinh toàn xã, 10 xã đạt vệ sinh toàn xã bền vững; trong đó, nhiều xã có 100% gia đình có điểm rửa tay với xà phòng như: Lay Nưa (TX. Mường Lay); Quài Cang (huyện Tuần Giáo); Thanh An, Thanh Nưa, Noong Luống, Thanh Chăn (huyện Điện Biên); Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ)...

Cũng trong giai đoạn này, ngành Y tế tuyến tỉnh đã tổ chức 4 hội nghị, 5 lớp tập huấn nâng cao năng lực truyền thông cho khoảng 400 cán bộ nòng cốt tuyến tỉnh, huyện, xã; tuyến huyện, xã, thôn bản đã tổ chức 106 hội nghị, 48 lớp tập huấn với sự tham gia của trên 4.600 lượt người. Đồng thời, ngành Y tế thực hiện trên 600 cuộc kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện chương trình; các huyện phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kiểm tra, giám sát và hướng dẫn kỹ thuật xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 2.459 gia đình...

Năm 2021, các hoạt động của chương trình triển khai tại 45 xã, thuộc 9 huyện, thị xã. Phát huy hiệu quả giai đoạn trước, các trạm y tế tuyến xã đã và đang tích cực phổ biến kiến thức vệ sinh cá nhân và hướng dẫn người dân rửa tay bằng xà phòng đúng cách, nhất là dạy trẻ ở các trường mầm non để các em sớm có ý thức giữ gìn vệ sinh từ nhỏ. UBND các huyện thụ hưởng dự án hướng dẫn, hỗ trợ các xã thực hiện các chỉ tiêu “vệ sinh toàn xã”; tuyên truyền, vận động người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu, nâng cao điều kiện sinh hoạt, phòng, chống dịch bệnh... Từ đó, hướng tới hoàn thành mục tiêu 100% hộ dân của 45 xã tham gia chương trình được cung cấp kiến thức về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng nhằm duy trì xã đạt vệ sinh toàn xã, phấn đấu xã đạt vệ sinh toàn xã bền vững; 25 xã đạt vệ sinh toàn xã năm 2020 và 10 xã đạt vệ sinh toàn xã năm 2019 tiếp tục duy trì từ 80% số gia đình có điểm rửa tay với xà phòng hoặc chất thay thế nhằm đạt vệ sinh toàn xã vào năm 2022; hỗ trợ 979 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách của 27 xã thuộc 9 huyện, thị xây mới, nâng cấp nhà tiêu gia đình...

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/192798/nang-cao-nhan-thuc-giu-gin-ve-sinh-moi-truong