Nâng cao nhận thức, kỹ năng về lao động, di cư cho phụ nữ và thanh niên
Ngày 19/5, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Diễn đàn 'Thúc đẩy di cư lao động an toàn' nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng về di cư, lao động cho hội viên, phụ nữ, đoàn viên, thanh niên.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại Diễn đàn
Tham dự Diễn đàn có: Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương; Thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công An; đại diện lãnh đạo các ban/đơn vị TƯ Hội LHPN Việt Nam; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng sự có mặt của hơn 120 phụ nữ, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh.
Diễn biến phức tạp của nạn mua bán người trái phép những năm gần đây
Là một địa phương có trên 600 nghìn người trong độ tuổi lao động, năm 2022, ngoài những người dân làm việc tại các khu công nghiệp, các thành phố lớn, tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 1.200 lao động đã xuất cảnh sang nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, do đặc thù địa lý có đường biên giới dài với nước bạn Lào, gần 4 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số đang cư trú tại 45 xã miền núi cũng như nhiều thanh niên khác đang phải đối mặt với nguy cơ bị lừa đảo, buôn bán lao động trái phép.
Đáng chú ý, không chỉ phụ nữ hay trẻ em gái là nạn nhân của lao động "chui" mà cả lao động nam và trẻ em trai cũng bị lừa bán thông qua việc đáp ứng nhu cầu tìm việc làm hay các mối quan hệ trên mạng xã hội.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhận định, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo lao động và tội phạm mua bán người trên thế giới và trong khu vực diễn biến khá phức tạp.
Thông qua nạn nhân đã được giải cứu trở về cho biết, ngoài bị bóc lột sức lao động, nạn nhân còn có thể bị bóc lột tình dục, kết hôn ngoài ý muốn, bị ép buộc đi lừa đảo người khác. Những hành vi này ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nạn nhân và gia đình, xâm hại đến những quyền cơ bản nhất của con người, gây nhiều tác động xấu tới an ninh, trật tự và nhiều mặt của đời sống xã hội.
Cùng tham gia Diễn đàn, Đại tá Khổng Ngọc Oanh (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) cho biết, theo số liệu mới nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines cung cấp hồi đầu tháng 5, các lực lượng chức năng củaPhilippines đã giải cứu 1.048 người, trong đó có 389 người Việt Nam là nạn nhân của nạn buôn bán người và cưỡng ép lao động tại quốc gia này.
Là một người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tham gia điều tra và giải cứu các vụ mua bán người phức tạp qua biên giới, Đại tá Khổng Ngọc Oanh chia sẻ, một số nhóm đối tượng dễ trở thành nạn nhân có thể kể đến như: những thanh niên có nhu cầu tìm việc làm; những người đang có việc làm nhưng thu nhập thấp; các nam/nữ thanh niên mới lớn mải chơi, dễ dãi trong việc kết bạn làm quen, muốn có tiền nhanh mà không chịu học tập; những người nợ nần, túng thiếu.
Mặc dù Bộ Công an đã đưa ra rất nhiều giải pháp quyết liệt trong việc giải quyết tình trạng di cư bất hợp pháp, tuy nhiên các đối tượng lừa đảo ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi hòng qua mắt cơ quan chức năng. Đặc biệt, trong bối cảnh mạng xã hội len lỏi về từng ngõ xóm, làng bản như hiện nay, nếu các bạn trẻ không được trang bị kỹ năng sử dụng mạng an toàn, thì rất có thể phải đối mặt với nguy cơ bị lừa.
Những biện pháp phòng, chống di cư bất hợp pháp
Tại Diễn đàn, các đoàn viên, thanh niên đã đặt nhiều câu hỏi cho các khách mời để được tư vấn rõ hơn trong việc phòng, chống các thủ đoạn buôn bán người và lao động bất hợp pháp.
Theo đó, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đối mặt với những lời mời gọi "việc nhẹ lương cao", người dân, đặc biệt là phụ nữ và các thanh niên, cần đề cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin hoặc thông báo với người thân, gia đình, chính quyền địa phương trước khi có ý định "xuất ngoại".
Đối với bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và miền núi, nếu gặp những người môi giới việc làm không rõ lai lịch, cần liên lạc ngay với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xác định nhân thân của người đó, cũng như xác minh thông tin của doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng ở nước ngoài.
Đại diện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, ra nước ngoài không phải con đường duy nhất để phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy ngay tại huyện A Lưới, anh Hồ Thanh Phương đã khởi nghiệp với mô hình nuôi cá tầm tại chính vùng núi cao. Ngoài ra, người dân cũng có thể học nghề, tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, vay vốn từ ngân hàng chính sách thông qua các tổ chức chính trị - xã hội để tự tạo cơ hội khởi nghiệp. Điều đó cho thấy cơ hội có việc làm và phát triển kinh tế tại địa phương là hoàn toàn có cơ sở khi chúng ta chịu học hỏi, đầu tư công sức và quyết tâm chiến thắng chính mình.
Di cư không phải là việc làm xấu, lao động ở nước ngoài cũng không phải hành vi phạm pháp nếu công dân thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Thông qua Diễn đàn "Thúc đẩy di cư lao động an toàn", Hội LHPN Việt Nam mong muốn hội viên, phụ nữ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên, được trang bị thêm kiến thức về di cư an toàn, tìm kiếm công việc hợp lý, nhận biết những phương thức, thủ đoạn và hậu quả nghiệm trọng của tội phạm mua bán người.
Bên cạnh đó, các em cũng cần nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, tố giác các hành vi phạm tội mua bán người, góp phần thay đổi nhận thức, hành động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc thúc đẩy di cư an toàn. Qua đó chung tay đẩy lùi nạn mua bán người, mang lại xã hội an toàn cho tất cả mọi người.