Nâng cao nhận thức pháp luật, đẩy lùi nạn tảo hôn

Trước đây, trên địa bàn xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, nạn tảo hôn diễn ra phức tạp và để lại nhiều hệ lụy đau lòng trong đời sống nhân dân. Cùng với chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Ra Mai, BĐBP Quảng Bình tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc tại địa phương, từng bước đẩy lùi nạn tảo hôn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai tuyên truyền pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân thông qua mô hình “Tiếng loa Biên phòng”. Ảnh: Thành Phú

Cán bộ Đồn Biên phòng Ra Mai tuyên truyền pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân thông qua mô hình “Tiếng loa Biên phòng”. Ảnh: Thành Phú

Xã Thanh Hóa có 1.956 hộ dân/6.784 nhân khẩu với 11 dân tộc thiểu số sống đan xen, mật độ dân cư thưa thớt, đời sống đại đa số người dân còn rất khó khăn. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng phát triển thiếu đồng bộ, người dân chưa được tiếp cận thường xuyên với những thông tin cần thiết cho đời sống, nhất là các thông tin liên quan đến pháp luật. Đây chính là lý do dẫn đến nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trở thành nỗi nhức nhối kéo dài suốt nhiều thập kỷ trên địa bàn xã Thanh Hóa. Một số dân tộc như Mã Liềng, Ve, Khmer, Raglai... đối diện với nguy cơ bị suy thoái nòi giống vì vấn nạn trên.

Bà Hồ Thị Khuôn, dân tộc Mã Liềng ở bản Cà Xen được gia đình gả chồng từ khi còn thơ dại. Chồng bà cũng chỉ trạc tuổi bà, khi đó, cả hai đều không hiểu gì về cuộc sống gia đình. Khi mang thai đứa con đầu lòng, bà vẫn đang ở vào cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới” nên không biết gì về việc chuẩn bị làm mẹ. Lúc bà phải sinh con trong mái chòi sơ sài ở ngoài rừng, cơn đau của thời điểm vượt cạn một mình đã làm bà sợ hãi, run rẩy khi nhìn thấy hài nhi đỏ hỏn, cựa quậy và cất lên tiếng khóc, may là bà còn kịp suy nghĩ để cắt dây rốn cho con, để hai mẹ con thoát chết trong gang tấc.

Từ những hệ lụy do nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại rất nặng nề, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Ra Mai đã tích cực phối hợp với các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương kiên trì thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Tuy nhiên, với đặc điểm địa bàn có nhiều dân tộc cùng sinh sống, tâm lý, trình độ, tập tục, ngôn ngữ không giống nhau, việc triển khai công tác này gặp không ít khó khăn.

Trung tá Lê Quang Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ra Mai cho biết: “Từ thực tế địa bàn, chúng tôi luôn xác định công tác tuyên truyền phải linh hoạt theo từng đối tượng và đa dạng về hình thức, phương pháp, nội dung. Bên cạnh đó, đơn vị đã gắn việc tuyên truyền pháp luật với giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, vận động trẻ em đến trường, xây dựng điển hình để người dân làm theo”.

Những năm qua, Đồn Biên phòng Ra Mai đã gắn thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” với tuyên truyền Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên tuyên truyền cho người dân về Luật Biên giới quốc gia, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em...

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cán bộ Biên phòng và chính quyền địa phương kiên trì tuyên truyền, dẫn chứng cụ thể để bà con hiểu được hệ lụy do tảo hôn gây ra. Ông Hồ Bột, 51 tuổi, dân tộc Chứt ở bản Cà Xen chia sẻ: “Những năm gần đây, việc tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân ở các bản vùng sâu, vùng xa được thực hiện rất tốt. Cán bộ Biên phòng và xã đến trực tiếp các hộ dân để phát tờ rơi, giải thích cặn kẽ những vấn đề người dân chưa hiểu, nhất là các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.

Nói về hiệu quả của công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Ra Mai trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa cho biết: “Nội dung tuyên truyền được chuyển tải một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để bà con tiếp cận một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng luôn thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, đẩy lùi các luồng văn hóa xấu độc. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân để tự chuyển đổi hành vi, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật”.

Từ năm 2017 đến nay, xã Thanh Hóa đã xóa bỏ được vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đó chính là kết quả của sự kiên trì cùng tinh thần cố gắng không biết mệt mỏi của những người lính Biên phòng với mong ước đem hạnh phúc đến với các dân tộc nơi miền biên cương xa xôi.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nang-cao-nhan-thuc-phap-luat-day-lui-nan-tao-hon-post445023.html