Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực trong bảo vệ rừng
Ngày 14/6, Công an tỉnh phối hợp Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị chuyên đề 'Công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2023 và triển khai giai đoạn 2024-2028'. Lãnh đạo các địa phương và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tham dự.
Theo báo cáo tại hội nghị, diện tích đất rừng, quy hoạch cho lâm nghiệp toàn tỉnh là 275.618,9ha, chiếm 54,84% diện tích tự nhiên của tỉnh. Năm 2023, diện tích rừng thực tế của tỉnh là 257.169,66ha, chiếm 51,2% trên tổng diện tích tự nhiên của tỉnh, gồm: 126,953,87ha rừng tự nhiên; 110.085,99ha rừng trồng; 20.129,8ha rừng trồng chưa thành rừng. Tỉ lệ che phủ rừng là 47,16% (237.039,86ha).
Trong giai đoạn 2016-2023, UBND, công an, kiểm lâm các cấp thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp bằng nhiều hình thức; lực lượng chức năng đã tổ chức 22.044 lượt tuần tra, kiểm soát; qua đó phát hiện 3.308 vụ/1.113 đối tượng vi phạm. Lực lượng công an các cấp đã thụ lý điều tra 242 vụ án hình sự trong lĩnh vực lâm nghiệp với 292 bị can.
Nhìn chung, công tác quản lý, khai thác, bảo vệ, phát triển rừng và đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực, thường xuyên phối hợp, áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật, đã cơ bản hạn chế tình trạng khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Người dân sống ở các khu vực có rừng được tuyên truyền, vận động ngày càng có nhận thức và ý thức tốt hơn trong giữ gìn, phát huy nguồn tài nguyên rừng.
Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh chưa kiểm soát được; rừng tự nhiên tiếp tục bị hủy hoại, diện tích rừng giảm đáng kể, nhất là các khu vực rừng phòng hộ, đầu nguồn. Trong khi đó, các giải pháp mà lực lượng chức năng đề ra và tổ chức thực hiện chưa đạt, hiệu quả chưa cao. Công tác phòng ngừa, đấu tranh vẫn còn nhiều hạn chế. Số vụ vi phạm hành chính chưa xác định được đối tượng chiếm tỉ lệ cao…
Hội nghị xác định, trong giai đoạn 2024-2028, các cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ban ngành có liên quan đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, đặc biệt là cấp xã; phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ rừng.
Các lực lượng kiểm lâm, công an và các ban quản lý rừng thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ được giao; nâng cao hiệu quả phối hợp; tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thi hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng trong phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm phát luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; tổ chức điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật…