Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong tình hình mới

Sáng 22-8, tại thành phố Ninh Bình, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức khai mạc Hội nghị tập huấn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) năm 2023 với chủ đề: 'Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý VHNT trong tình hình mới'.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn.

Nhiều chuyển biến tích cực

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: Tính đến nay, Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới tròn 15 năm đi vào cuộc sống. Nghị quyết 23 đã khẳng định: “VHNT là lĩnh vực quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Việc Bộ Chính trị dành riêng một nghị quyết rất quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển VHNT trước yêu cầu mới đã thể hiện mạnh mẽ sự đổi mới tư duy, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với VHNT.

Trong 15 năm, thực tiễn đời sống VHNT diễn ra rất sôi động, có nhiều kết quả và chuyển biến tích cực đáng trân trọng. Từng bước những khó khăn, trở ngại được tháo gỡ, tạo điều kiện cho VHNT Việt Nam phát triển, hòa nhập sâu hơn với VHNT thế giới.

Trong đó, nhìn tổng thể, VHNT đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn với dân tộc, phản ánh chân thực cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của Nhân dân. Tự do trong sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng về nội dung, phong cách sáng tác, phương thức biểu hiện được tôn trọng, dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được khẳng định. Đội ngũ văn nghệ sĩ được hình thành, phát triển và rèn luyện trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, là lực lượng tin cậy, trung thành của đất nước, của Đảng và Nhân dân. Tư duy lý luận và quan điểm của Đảng về VHNT tiếp tục đổi mới, bổ sung, phát triển, góp phần cổ vũ khích lệ tạo niềm tin cho văn nghệ sĩ.

Chưa theo kịp với yêu cầu phát triển đất nước

Các đại biểu dự khai mạc hội nghị.

Các đại biểu dự khai mạc hội nghị.

So với yêu cầu phát triển đất nước và những định hướng được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), hoạt động VHNT thời gian qua còn bộc lộ một số yếu kém. Cụ thể, mặc dù có sự chuyển biến nhưng chưa thật cơ bản về nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò của VHNT trong đời sống của đất nước; chưa đồng bộ giữa các khâu sáng tác, phổ biến, lưu giữ tác phẩm; sự gia tăng của xu hướng giải trí đơn thuần trong sáng tác, quảng bá VHNT.

Một số văn nghệ sĩ nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng nhưng lại có những phát ngôn, lối sống thiếu chuẩn mực, gây ảnh hưởng tiêu cực tới công chúng, nhất là giới trẻ. Công tác lưu giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức.

Mô hình tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của các Hội VHNT có đổi mới nhưng chưa nhiều, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Các hội đang phải đối mặt với nhiều thách thức về thiếu hụt nguồn cán bộ quản lý là văn nghệ sĩ có uy tín, có chuyên môn, năng khiếu chuyên ngành; chưa thu hút được một bộ phận văn nghệ sĩ trẻ có tài vào hội; cơ cấu của đội ngũ văn nghệ sĩ còn có chỗ bất hợp lý, phân bố không đồng đều ở các chuyên ngành cũng như vùng miền. Vai trò tư vấn, phản biện xã hội của các Hội VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ chưa được phát huy tối đa.

Công tác lãnh đạo, quản lý chưa thật sự chú trọng, quan tâm đúng mức đến tính đặc thù của VHNT; chưa thu hút được người có năng lực vào các cơ quan tham mưu, cơ quan hoạt động VHNT. Việc sáp nhập một cách cơ học các đoàn nghệ thuật truyền thống ở khá nhiều địa phương gây khó khăn cho hoạt động của các loại hình nghệ thuật, dẫn đến tình trạng “nghiệp dư hóa” nghệ thuật chuyên nghiệp…

Và những đòi hỏi đặt ra

Xuất phát từ thực tiễn đó, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn năm 2023 với chủ đề “Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực; đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, quản lý VHNT trong tình hình mới”, gồm các chuyên đề: Xây dựng, phát triển VHNT trong tình hình mới; Từ nhân vật trung tâm trong văn học hiện nay đến vấn đề trung tâm của VHNT Việt Nam trong tình hình mới; Lan tỏa sâu rộng những giá trị tốt đẹp đạo đức cách mạng trên lĩnh vực VHNT; Công tác lý luận phê bình VHNT hiện nay: thực trạng và yêu cầu phát triển; Vị trí, vai trò của VHNT trong sự phát triển của công nghiệp văn hóa... Từ đó giúp học viên củng cố, nắm bắt đầy đủ và sâu sắc hơn thực tiễn đời sốn, tình hình lý luận, phê bình VHNT hiện nay...

Để phát triển VHNT trong thời kỳ mới, đòi hỏi sự quán triệt, sâu sắc, đầy đủ đường lối, nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển VHNT Việt Nam – “lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa” trong giai đoạn mới. Tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế đầy đủ, đồng bộ theo hướng tạo nguồn lực, động lực để phát triển văn học nghệ thuật, để đội ngũ văn nghệ sĩ phát triển tài năng, nhân cách, bản lĩnh cống hiến cho đất nước. Thiết lập môi trường dân chủ, nhân văn, tôn trọng đặc trưng sáng tạo, thực thi quyền tác giả, bảo đảm tự do trong sáng tạo, phê bình VHNT.

Hội nghị tập huấn diễn ra từ ngày 22 đến 25-8-2023.

Kiều Huyền

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/nang-cao-nhan-thuc-trinh-do-nang-luc-ly-luan-phe-binh-van-hoc-nghe-thuat-trong-tinh-hinh-moi/193381.htm