Nâng cao nhận thức về bệnh tan máu bẩm sinh tại Hà Giang
Từ ngày 7-10/11, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hà Giang tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo về chẩn đoán điều trị, phòng bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) và thực hiện lấy máu xét nghiệm sàng lọc bệnh Thalassemia cho 1.300 học sinh.
Đây là nội dung nằm trong Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Trong giai đoạn 1 (2021- 2025), hoạt động phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia được thực hiện tại 5 tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa và Nghệ An.
TS.BS. Vũ Đức Bình - Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: Thalassemia là bệnh thiếu máu mạn tính, do tan máu, di truyền từ bố mẹ sang con, đây là căn bệnh di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh lý di truyền này gây ra nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng lớn tới chất lượng dân số, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Xuất phát từ thực tế đó, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đề xuất Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ và được phê duyệt tham gia Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong giai đoạn 1, Hà Giang là một trong 5 tỉnh triển khai các hoạt động phòng bệnh Thalassemia, hướng tới mục tiêu giảm số ca phù thai, giảm số trẻ sinh ra bị bệnh, từng bước nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân mắc.