Nâng cao nhận thức về biện pháp phòng chống thiên tai
ĐBP - Ngày 29/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức tập huấn trực tuyến về công tác phòng chống thiên tai dành cho cấp huyện, xã. Buổi tập huấn có sự tham gia của 10/10 điểm cầu cấp huyện; thành viên ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.
Ông Hoàng Văn Viên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông tin tại buổi tập huấn.
Ông Hoàng Văn Viên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thông tin: Thiên tai xảy ra trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh khiến 4 người chết, 6 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước khoảng 263 tỷ đồng. Công tác phòng chống thiên tai sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Để giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất trong công tác phòng chống thiên tai, ngay từ đầu năm 2021 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là chú trọng công tác sơ tán dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Qua buổi tập huấn tuyên truyền về phòng chống thiên tai sẽ góp phần giúp các địa phương nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng chống; rà soát cập nhật các kế hoạch phòng chống thiên tai, phát huy phương châm “4 tại chỗ”, vai trò của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã để góp phần giảm thiểu thiệt hại.
Học viên cũng được thông tin hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thiên tai; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ cơ quan phòng chống thiên tai các cấp, lực lượng xung kích cấp xã; vai trò, tầm quan trọng của công tác tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tình hình thiên tai, kỹ năng ứng phó, nhất là kỹ năng ứng phó tại chỗ ở cơ sở để giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.