Nâng cao nhận thức về pháp luật cho nhân dân vùng khó khăn
Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/1999 về phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức của người dân về vấn đề này đã có những chuyển biến tích cực.
Năm 1999, liên Bộ Tư pháp, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch 01 nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau 10 năm triển khai, Nghị quyết đã góp phần tạo nên chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng dân cư khu vực này.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết và định hướng triển khai công tác này giai đoạn 2010-2015 tổ chức tại Đà Nẵng ngày 10/1, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, 10 năm qua, Bộ đã hướng dẫn các địa phương danh mục sách, tài liệu pháp luật cho tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn định kỳ từng tháng; xuất bản văn bản pháp luật dưới dạng băng cassette, đĩa DVD, các loại tờ gấp, tài liệu tuyên truyền phát miễn phí với các nội dung cơ bản có liên quan trực tiếp với nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, pháp luật về phòng chống tệ nạn ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em…
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp hỗ trợ kinh phí xây dựng 31 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; 26 Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”; 63 Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm” tại các khu vực nông thôn, miền núi của các tỉnh thành trên cả nước.
Hiện nay, 100% tỉnh thành có Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và đã trợ giúp 1,3 vụ việc với hơn 1,4 triệu lượt người. Toàn quốc có gần 12.000 tổ hòa giải với hơn 600.000 hòa giải viên góp phần giữ gìn đoàn kết trong nhân dân, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Nhiều địa phương tỷ lệ hòa giải thành công đạt mức cao như Hà Giang 90%, Hải Phòng 90,1%, Quảng Nam 89,9%,…
Số lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng được tăng cường và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn. Toàn quốc hiện có gần 20.000 báo cáo viên cấp tỉnh và gần 100.000 tuyên truyền viên cấp xã cùng mạng lưới cộng tác viên đông đảo ở các đơn vị, cấp ngành khác nhau. Đội ngũ này đã góp phần quan trọng trong vấn đề phổ biến pháp luật đến tận từng người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Nhiều tỉnh thành có những cách làm hay, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Điển hình như Hà Giang đã lồng ghép hình thức tuyên truyền vào các lễ hội, phiên chợ vùng cao; triển khai đề án “Đem luật về làng” của Hải Phòng. Xây dựng chương trình “Ai đúng, ai sai” trên Đài phát thanh truyền hình tỉnh Vĩnh Long. Mô hình khuyến nông, khuyến lâm lòng ghép phổ biến pháp luật về nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ rừng của tỉnh Lâm Đồng; tập huấn pháp luật cho các vị chức sắc tôn giáo trong chùa Khơme của tỉnh Trà Vinh …
Sự linh hoạt trong đổi mới phương thức, cách thức tuyên truyền, lồng ghép hoạt động tuyên truyền với các hoạt động văn hóa xã hội khác trong thời gian qua còn giúp người dân nhận thức về pháp luật một cách uyển chuyển, nhẹ nhàng… góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ luật pháp trong quần chúng nhân dân.
Nghị quyết liên tịch 01 ra đời đã từng bước cụ thể hóa chính sách đặc biệt quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với khu vực nông thôn, miền núi, với đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong những năm tới, Nghị quyết sẽ được tiếp tục triển khai để nhân dân có thể nắm được những thay đổi mới nhất về chính sách của Nhà nước ta trong lĩnh vực này; góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.