Nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của công dân qua tư vấn pháp luật

Tư vấn pháp luật nhằm mục đích nâng cao sự hiểu biết của người dân về quyền và nghĩa vụ của công dân. Để tìm hiểu rõ hơn về hoạt động tư vấn pháp luật cũng như của Trung tâm tư vấn pháp luật theo quy định pháp luật, chúng tôi trao đổi cùng ông Huỳnh Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

Phóng viên: Thưa ông, để thành lập trung tâm tư vấn pháp luật cần có những điều kiện gì?

Phóng viên: Thưa ông, để thành lập trung tâm tư vấn pháp luật cần có những điều kiện gì?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Điều kiện thành lập trung tâm tư vấn pháp luật bao gồm: có ít nhất 2 tư vấn viên pháp luật hoặc tư vấn viên pháp luật và 1 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động hoặc 2 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động; có trụ sở làm việc của trung tâm (Điều 5 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP).

Phóng viên: Vậy phạm vi hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật được quy định ra sao?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Trung tâm tư vấn pháp luật được thực hiện tư vấn pháp luật; được cử luật sư làm việc theo hợp đồng cho trung tâm tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật đối với vụ việc mà trung tâm thực hiện tư vấn pháp luật; được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Trung tâm tư vấn pháp luật được nhận và thực hiện vụ việc trong tất cả các lĩnh vực pháp luật (theo Điều 7 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP). Hoạt động tư vấn pháp luật bao gồm: tư vấn pháp luật miễn phí và tư vấn pháp luật có thù lao...

Phóng viên: Hoạt động tư vấn pháp luật của trung tâm tư vấn pháp luật gồm những gì thưa ông?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ:Hoạt động tư vấn pháp luật của trung tâm tư vấn pháp luật quy định tại Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP bao gồm: thứ nhất, hướng dẫn, giải đáp pháp luật; thứ hai, tư vấn, cung cấp ý kiến pháp lý; thứ ba, soạn thảo đơn, hợp đồng, di chúc và các giấy tờ khác; thứ tư, cung cấp văn bản pháp luật, thông tin pháp luật; thứ năm, đại diện ngoài tố tụng cho người được tư vấn pháp luật để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 3 Thông tư số 01/2010/BT-BTP, ngày 9-2-2019 của Bộ Tư pháp).

Phóng viên: Người thực hiện tư vấn pháp luật được quy định cụ thể như thế nào và tiêu chuẩn ra sao?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ:Người thực hiện tư vấn pháp luật bao gồm: tư vấn viên pháp luật; luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho trung tâm tư vấn pháp luật; cộng tác viên tư vấn pháp luật (Điều 18 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP). Về tiêu chuẩn của tư vấn viên pháp luật là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có đủ tiêu chuẩn sau đây: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; có bằng cử nhân luật; có thời gian công tác pháp luật từ 3 năm trở lên (Điều 19 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP). Về tiêu chuẩn của cộng tác viên tư vấn pháp luật: cộng tác viên tư vấn pháp luật phải có đủ điều kiện quy định tại các Điểm a, b Khoản 1, Điều 19 của Nghị định 77/2008/NĐ-CP. Người có bằng đại học khác làm việc trong các ngành, nghề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân; người thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có bằng trung cấp luật hoặc có thời gian làm công tác pháp luật từ 3 năm trở lên hoặc có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng có thể làm cộng tác viên tư vấn pháp luật. Cán bộ, công chức có thể làm cộng tác viên tư vấn pháp luật của trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh trong trường hợp việc làm cộng tác viên đó không trái với pháp luật về cán bộ, công chức (Khoản 1, Điều 22 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP).

Phóng viên: Quyền và nghĩa vụ của người thực hiện tư vấn pháp luật được quy định như thế nào?

Ông Huỳnh Hoàng Vũ: Người thực hiện tư vấn pháp luật có các quyền và nghĩa vụ sau: thực hiện tư vấn pháp luật trong phạm vi hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh nơi mình làm việc; được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Được hưởng thù lao từ việc thực hiện tư vấn pháp luật. Chịu trách nhiệm về nội dung tư vấn do mình thực hiện. Tuân thủ các quy định của tổ chức chủ quản, quy định của nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật về luật sư, trợ giúp pháp lý. Bồi hoàn thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong khi thực hiện tư vấn pháp luật (Điều 23 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP). Tư vấn viên pháp luật chỉ được làm việc cho một trung tâm tư vấn pháp luật hoặc 1 chi nhánh. Tư vấn viên pháp luật có thể đồng thời kiêm nhiệm vị trí công tác khác của tổ chức chủ quản nhưng phải bảo đảm công việc đó không ảnh hưởng đến hoạt động tư vấn pháp luật (Khoản 1, Điều 14 Thông tư số 01/2010/BT-BTP).

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Mai Khôi (Thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/nang-cao-nhan-thuc-ve-quyen-va-nghia-vu-cua-cong-dan-qua-tu-van-phap-luat-31664.html