Nâng cao nhiệm vụ công tác pháp chế, cải cách hành chính, tư pháp trong CAND

Ngày 26/8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công an tổ chức Lễ khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp CAND năm 2024 cho hơn 200 CBCS Công an các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Thiếu tướng, PGS, TS. Phạm Công Nguyên phát biểu tạo buổi lễ.

Thiếu tướng, PGS, TS. Phạm Công Nguyên phát biểu tạo buổi lễ.

Thiếu tướng, PGS, TS. Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), cho biết: Thời gian qua, lực lượng pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp CAND đã và đang ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng, đóng góp to lớn trong công tác xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh. Những kết quả nổi bật về công tác này đã được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương tin tưởng, đánh giá cao, tạo được uy tín đối với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng CAND.

Các đại biểu và CBCS tham gia lớp tập huấn.

Các đại biểu và CBCS tham gia lớp tập huấn.

Từ năm 2021 đến tháng 6 năm 2024, lực lượng pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp CAND đã nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 348 văn bản quy phạm pháp luật về ANTT. Trong đó, có 10 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc hội, 28 nghị định của Chính phủ, 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 4 thông tư liên tịch, 298 thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an. Bên cạnh đó, công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù và hợp tác quốc tế về pháp luật đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chỉ tính riêng trong năm 2023, đã đàm phán 17 điều ước quốc tế, ký chính thức 14 điều ước quốc tế về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, hợp tác về phòng, chống tội phạm.

Đặc biệt, trong tổ chức thi hành pháp luật, thực hiện các đề án của Chính phủ, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính cũng đã có những chuyển biến rõ nét. Công tác cải cách hành chính, tư pháp thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả thiết thực góp phần hiện đại hóa nền hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; nâng cao ý thức chấp hành, áp dụng pháp luật, giảm sai phạm của CBCS trong thi hành nhiệm vụ.

Thiếu tướng, PGS, TS. Phạm Công Nguyên cùng đại biểu, CBCS chụp ảnh lưu niệm.

Thiếu tướng, PGS, TS. Phạm Công Nguyên cùng đại biểu, CBCS chụp ảnh lưu niệm.

Thiếu tướng, PGS, TS. Phạm Công Nguyên, đánh giá: Tuy nhiên, trong thực tế công tác, lực lượng pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp CAND vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả công tác. Cán bộ làm công tác pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp tại Công an các địa phương hầu hết phải kiêm nhiệm nhiều công tác chuyên môn, trong khi khối lượng công việc, nhiệm vụ công tác pháp chế ngày càng nhiều, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, nên việc tập trung, dành thời gian cho công tác pháp chế còn hạn chế…

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, lớp bồi dưỡng cán bộ pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp CAND diễn ra từ ngày 26 đến 29/8 sẽ giúp nâng cao nhận thức về các nội dung: Công tác tham mưu xây dựng và hoàn thiện pháp luật về ANTT của lực lượng CAND; cải cách hành chính và công tác cải cách hành chính trong CAND; kiểm soát thủ tục hành chính, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…

Nguyễn Đức Mừng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nang-cao-nhiem-vu-cong-tac-phap-che-cai-cach-hanh-chinh-tu-phap-trong-cand-i741658/