Nâng cao quyền lợi cho người điều trị bệnh có thẻ BHYT
Người dân khám và điều trị bệnh tại Trạm Y tế xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa). Ảnh: THÁI HÀ
Từ ngày 1/1/2021, chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám chữa bệnh BHYT có hiệu lực, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT khi không cần giấy chuyển viện vẫn được khám chữa bệnh (KCB) mà còn giúp họ được bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở KCB tuyến tương đương trên toàn quốc.
Nâng cao quyền lợi
Theo đó, từ ngày 1/1/2021, những bệnh nhân điều trị nội trú sẽ không cần giấy chuyển tuyến, vẫn có thể đến điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc và được hưởng tối đa quyền lợi.
Theo quy định trước đây, những trường hợp đi KCB trái tuyến chỉ được Quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương và 60% chi phí điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh. Tuy nhiên, từ 1/1/2021, người có thẻ BHYT khi điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước thì mức hưởng BHYT sẽ được tăng từ 60% lên 100% theo mức quyền lợi quy định.
Đây được xem là tin vui của nhiều người dân. Bà Nguyễn Thị Tiến, xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa, chia sẻ: “Các con làm ăn ở TP Hồ Chí Minh nên vợ chồng tôi vào đây để vừa làm việc, vừa nuôi cháu. Chồng tôi hay đau ốm nên thường phải đi bệnh viện, dù có thẻ BHYT nhưng không thể về quê để chuyển tuyến đành phải ở lại thành phố điều trị và phải trả chi phí thuốc men khá tốn kém. Nay thì tôi yên tâm, vì khi thông tuyến tỉnh BHYT, lỡ may có ốm đau thì vẫn được chi trả phần lớn viện phí”.
Cũng phấn khởi với quy định mới này, ông Huỳnh Tăng, khu phố 3, phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa, nói: “Lúc chẳng may ốm đau, bệnh tật, ai cũng mong muốn được điều trị tại các cơ sở KCB có chất lượng tốt, tạo sự yên tâm cho người bệnh và gia đình. Tuy nhiên, lúc trước, người dân chỉ có thể điều trị nội trú ở các bệnh viện địa phương, thì giờ, khi BHYT đã thông tuyến tỉnh trong toàn quốc, người dân có quyền lựa chọn cơ sở KCB cùng tuyến mà mình cảm thấy phù hợp”.
Ông Phan Ngọc Luận, Phó Giám đốc BHXH Phú Yên cho rằng: Việc thông tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc là điều hết sức thuận lợi cho người tham gia BHYT, vừa tạo điều kiện cho người dân KCB, vừa giúp người dân có cơ hội được hưởng dịch vụ KCB tốt hơn nhờ sự cạnh tranh về chất lượng giữa các bệnh viện.
Bên cạnh thuận lợi của việc thông tuyến, đây cũng thực sự là thách thức đối với các cơ sở KCB nói chung và cơ sở KCB công lập nói riêng. Bởi khi đã thông tuyến, bệnh viện nào có chất lượng chuyên môn tốt, có tinh thần thái độ phục vụ tốt thì sẽ thu hút được người bệnh đến đăng ký KCB ban đầu, cũng như sử dụng dịch vụ tại đây.
Cần hiểu đúng
Quy định về thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh đối với người có thẻ BHYT có hiệu lực từ 1/1/2021 đã tạo nhiều thuận lợi cho người bệnh. Tuy nhiên, người dân cũng cần hiểu đúng về các tuyến bệnh viện, mức cùng chi trả để không phải chi trả dịch vụ kỹ thuật y tế với giá cao.
Thứ nhất, việc liên thông tuyến tỉnh BHYT chỉ áp dụng cho bệnh nhân nội trú, không áp dụng cho bệnh nhân ngoại trú.
Thứ hai, nếu tự đi KCB tại các bệnh viện thuộc tuyến Trung ương thì người bệnh chỉ được Quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú đang được áp dụng hiện nay. Cụ thể, bệnh nhân tỉnh Phú Yên khi nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương và Bệnh viện Thống Nhất, nếu không có giấy chuyển tuyến chỉ được trả 40% chi phí khám chữa bệnh BHYT…
Ngoài ra, chỉ những người được hưởng 100% chi phí KCB đúng tuyến mới được thanh toán toàn bộ chi phí điều trị nội trú trái tuyến tỉnh. Theo quy định, Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, khoản 1, Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP với các đối tượng: trẻ em, người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…
Quỹ chi trả 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng: người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; thân nhân của người có công với cách mạng (trừ các đối tượng tại khoản 12 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP); người thuộc hộ gia đình cận nghèo; người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định146/2018/NĐ-CP. Quỹ BHYT sẽ thanh toán 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng còn lại.
Theo BS Phạm Minh Hữu, Phó Giám đốc Sở Y tế, khi thông tuyến khám BHYT nội trú tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến tỉnh phải tự thay đổi, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao kỹ thuật chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị, cũng như thay đổi tinh thần thái độ phục vụ… mới thu hút người dân ở lại địa phương điều trị…
Để bảo đảm cho công tác quản lý, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 25/CT-BYT ngày 21/12/2020 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT. Đơn cử, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, Bệnh viện Mắt Phú Yên và Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên là hai bệnh viện tuyến tỉnh đang hoạt động hiệu quả, thu hút rất nhiều bệnh nhân ở các tỉnh Tây Nguyên đến khám và điều trị.
UBND tỉnh và các ngành, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành BHXH tỉnh nhà tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách BHXH, BHYT, đảm bảo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhiệm vụ và yêu cầu trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo