Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ Việt Nam (kỳ 3)
Quyền năng chính trị của phụ nữ được tiếp cận với phương diện là quyền và khả năng tham gia, quyết định và thụ hưởng các giá trị của đời sống chính trị. Đảng và Nhà nước ta đã xác lập, từng bước hiện thực hóa, xóa bỏ bất bình đẳng giới, phát huy ngày cao hơn vai trò tham chính của phụ nữ. Hiện nay, cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong tạo lập môi trường, điều kiện để các tầng lớp phụ nữ tham gia vào đời sống chính trị hiệu quả hơn. Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu loạt bài 3 kỳ của TS. Trương Thị Bạch Yến.
Kỳ 3: Thành tựu và vấn đề cần tiếp tục phát huy
Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng, cùng với nỗ lực hoạt động của các cấp hội liên hiệp phụ nữ đã mang lại quyền năng chính trị cho phụ nữ Việt Nam, cả về lý luận lẫn thực tiễn. Đó không chỉ khẳng định quyền tham chính của phụ nữ Việt Nam hiện nay được tôn trọng, mà còn cho thấy khả năng phụ nữ tham chính là có thể, với nhiều thành tựu.
“Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng ý thức được quyền và trách nhiệm công dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị (…). Phụ nữ được kết nạp vào Đảng, tham gia cấp ủy và các cơ quan dân cử các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước, có tiếng nói quan trọng trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước…”[1].
Tỷ lệ đảng viên nữ hiện chiếm trên 33%, trong đó số mới được kết nạp ngày càng cân bằng với nam giới (như: trong nhiệm kỳ Đại hội XII, tính đến 30-9-2020, toàn Đảng kết nạp 880.155 đảng viên, trong đó 43,72% là nữ[2]).
Nhiều ngành, lĩnh vực có tỷ lệ % lao động nữ cao hơn nam giới. Như năm 2020, tỷ lệ nữ trong ngành giáo dục, đào tạo là 74,7% ; Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội là 63,7%; các tổ chức và cơ quan quốc tế 62,9%; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 56%[3].
Dù với tỷ lệ chưa ngang bằng với nam giới, song phụ nữ có mặt trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà nước (30,3%). Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% (tăng 3,54% so với khóa XIV). Tỷ lệ nữ cấp ủy viên, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ sau thường tăng so với nhiệm kỳ trước. Nhiều vị trí chủ chốt trong cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp có phụ nữ: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội, quyền Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, phó bí thư cấp ủy, chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp…
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế của phụ nữ và công tác đối với phụ nữ: “một số phụ nữ thiếu hiểu biết pháp luật, nhận thức chưa đầy đủ về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ và giá trị của bản thân”; “Công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện chưa đáp ứng được yêu cầu”; “công tác nghiên cứu chưa nhận diện đầy đủ những vấn đề của phụ nữ và công tác phụ nữ; một số văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới còn thiếu đồng bộ”[4]. Điều đó, khiến cho mục tiêu bình đẳng giới, bảo đảm quyển năng chính trị của phụ nữ chưa được thực thi mọi lúc, mọi nơi...
Những hạn chế có nguyên nhân từ bản thân phụ nữ và từ trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp và tổ chức đại diện cho quyền lợi của phụ nữ là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nghiên cứu những quy định của Đảng, Nhà nước, những nỗ lực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác nữ để tìm kiếm giải pháp tiếp tục nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ Việt Nam là nhiệm vụ có tính cấp thiết hiện nay.
Một là, tiếp tục tăng cường, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác phụ nữ. Trên cơ sở Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20-1-2018 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp quán triệt sâu sắc và triển khai các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ. Đảng đoàn Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, Ban Cán sự đảng Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp lãnh đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các chương trình, dự án… có liên quan đến phụ nữ và lồng ghép nội dung bình đẳng giới. Các ban xây dựng Đảng của cấp ủy các cấp phối hợp với tổ chức đảng trong cơ quan mặt trận Tổ quốc, hội phụ nữ, các đoàn thể chính trị - xã hội để nghiên cứu, dự báo tình hình phụ nữ, tham mưu và giúp cấp ủy trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; xây dựng, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ nữ; kiểm tra, giám sát việc thực hiện; phát hiện, biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong việc nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ.
Hai là, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước đối với công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các ban vì sự tiến bộ của phụ nữ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, nhất là nơi có đông phụ nữ. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án của Chính phủ và của chính quyền địa phương liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ. Tăng cường nguồn lực từ ngân sách, từ xã hội hóa, hợp tác quốc tế… để tạo cơ hội cho phụ nữ làm chủ về kinh tế, có điều kiện tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực tham chính, được giới thiệu, bầu cử vào các vị trí trong các cơ quan quyền lực nhà nước…
Ba là, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội liên hiệp phụ nữ các cấp. Trên cơ sở Nghị quyết số 15/NQ-BCH ngày 8-9-2020 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035, và Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, các cấp hội triển khai tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức trong tác tầng lớp phụ nữ về quyền năng chính trị của mình; nâng cao trách nhiệm của các cấp Hội để xứng đáng là tổ chức tiên phong hành động vì bình đẳng và sự phát triển của phụ nữ Việt Nam. Triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy Hội, nhất là cấp cơ sở, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Tăng cường tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công tác nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Hội tinh thông, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, hội nhập quốc tế. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội, phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Tiếp tục thực hiện mục tiêu “xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”, tạo lập môi trường dân chủ, an toàn, thuận lợi để phụ nữ được bảo vệ quyền, nâng cao năng lực tham chính, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
[1] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII trình Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.188.
[3] Dẫn theo Văn kiện Đại hội Phụ nữ toàn quốc: Phụ lục số liệu. https://hoilhpn.org.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/phu-luc-so-lieu-51509-1201.html
[4] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII trình Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Tài liệu đã dẫn.