Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ - yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững

Ở nước ta, phụ nữ chiếm một phần lớn lực lượng lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Khi phụ nữ được tăng cường tiếp cận với các nguồn lực kinh tế, họ không chỉ cải thiện được mức sống của bản thân và gia đình mà còn góp phần tăng năng suất lao động, giảm nghèo đói và thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng.

 Ở nước ta, phụ nữ chiếm một phần lớn lực lượng lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Ảnh minh họa

Ở nước ta, phụ nữ chiếm một phần lớn lực lượng lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Ảnh minh họa

Phụ nữ Việt Nam đóng vai trò kinh tế quan trọng xuyên suốt lịch sử, từ thời kỳ phong kiến đến hiện đại. Trong nền kinh tế nông nghiệp truyền thống, phụ nữ không chỉ đảm nhận công việc đồng áng mà còn phụ trách sản xuất thủ công, chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động thương mại nhỏ lẻ.

Những công việc này góp phần duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như cộng đồng địa phương.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phụ nữ Việt Nam vừa tham gia sản xuất vừa đóng vai trò quan trọng ở hậu phương, duy trì nguồn lực kinh tế để hỗ trợ tiền tuyến.

Họ là lực lượng chủ lực làm việc trong các hợp tác xã nông nghiệp, xí nghiệp công nghiệp và đảm nhiệm các công việc hậu cần như chế biến lương thực, vận chuyển hàng hóa. Nhiều phụ nữ đã đóng vai trò dẫn dắt các phong trào thi đua lao động và trở thành lực lượng chính trong các ngành sản xuất của đất nước.

Sau thời kỳ chiến tranh và tiếp tục đến nay, vai trò kinh tế của phụ nữ ngày càng được khẳng định trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nông nghiệp, công nghiệp đến thương mại và dịch vụ.

Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ khá lớn phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, với 47,7% trong lực lượng lao động thành thị và 47,2% trong lực lượng lao động nông thôn, và chiếm số đông trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, y tế.

Theo báo cáo Tình hình thị trường lao động Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động chung của năm 2023 là 68,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm 2022, trong đó tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là 62,9%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với năm trước (so với tỷ lệ tương ứng ở nam giới là 75,2%, tăng 0,2 điểm phần trăm).

Ảnh minh họa: Đình Hưng

Ảnh minh họa: Đình Hưng

Đây là một tỷ lệ cao so với nhiều quốc gia trong khu vực, cho thấy sự tham gia mạnh mẽ của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế.

Theo Báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE) 2021, phụ nữ Việt Nam đang tham gia ngày càng mạnh mẽ vào các hoạt động kinh doanh với tốc độ tăng trưởng vượt trội, đạt mức hơn 20%. Tốc độ này thậm chí còn cao hơn đáng kể khi so với nam giới.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ tại Việt Nam đạt 69,3%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ chiếm 26,5% số lượng doanh nghiệp, tạo ra doanh thu trung bình hàng năm không hề thua kém các doanh nghiệp do nam giới điều hành.

Tuy nhiên, việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Nhìn chung, phụ nữ Việt Nam vẫn phải chịu sự bất bình đẳng về thu nhập và cơ hội. Dù tham gia lao động nhiều nhưng phụ nữ vẫn thường tập trung vào các ngành nghề có thu nhập thấp như nông nghiệp, công nghiệp may mặc, hoặc lao động phi chính thức.

Do những yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hóa…, lao động nữ vẫn thường có trình độ chuyên môn thấp hơn nam giới, phải chịu nhiều rủi ro về nguy cơ mất việc do không đáp ứng được yêu cầu đổi mới về khoa học, công nghệ, thu nhập bình quân thấp hơn so với lao động nam.

Phụ nữ cũng thiệt thòi hơn nam giới trong tiếp cận với nguồn lực kinh tế. Nhiều người không có quyền sở hữu tài sản hoặc tiếp cận tín dụng, đặc biệt ở khu vực nông thôn, khiến hạn chế khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế bền vững hoặc khởi nghiệp.

Hơn nữa, việc thường phải đảm nhiệm cả công việc chính thức lẫn vai trò nội trợ và chăm sóc gia đình, thời gian làm việc không lương của phụ nữ trung bình gấp đôi so với nam giới, khiến phụ nữ phải chịu áp lực lớn và bị hạn chế về cơ hội phát triển kinh tế.

Bạo lực gia đình và định kiến giới tiếp tục là rào cản lớn khiến nhiều phụ nữ không thể phát huy hết tiềm năng kinh tế của mình.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là yếu tố thiết yếu để đạt được bình đẳng giới và bảo đảm các quyền cơ bản của phụ nữ. Điều này đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia bình đẳng vào thị trường lao động, được hưởng quyền lợi xã hội, kiểm soát tài nguyên và đời sống cá nhân của họ, đồng thời làm gia tăng sự tự quyết và sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ vào các quyết định kinh tế ở mọi cấp độ.

Về khía cạnh kinh tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế của xã hội có thể tạo ra sự phát triển đáng kể về kinh tế của cộng đồng và cả quốc gia. Khi phụ nữ tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động kinh tế, năng suất lao động quốc gia được cải thiện.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu phụ nữ có cơ hội ngang bằng trong việc tham gia lực lượng lao động, GDP của các quốc gia có thể tăng đáng kể. Việc này không chỉ nâng cao năng lực kinh tế của từng cá nhân mà còn tạo động lực cho toàn bộ nền kinh tế phát triển bền vững.

Ảnh minh họa: Huỳnh Mỹ Thuận

Ảnh minh họa: Huỳnh Mỹ Thuận

Về khía cạnh xã hội, khi phụ nữ có quyền tiếp cận và kiểm soát nguồn lực kinh tế tốt hơn, họ sẽ không chỉ cải thiện đời sống cá nhân mà còn đóng góp đáng kể vào sự phát triển của gia đình và cộng đồng.

Điều này giúp thu hẹp khoảng cách giữa các giới và các tầng lớp xã hội, làm cho xã hội ổn định hơn. Khi phụ nữ có thu nhập ổn định, sẽ không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân mà còn đầu tư nhiều hơn vào sức khỏe, giáo dục và phúc lợi của gia đình, từ đó tạo ra hiệu ứng tích cực đối với các thế hệ tiếp theo. Đây là chìa khóa để phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo và bất bình đẳng trong xã hội.

Về khía cạnh chính trị, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ làm tăng cường tiếng nói và vai trò của phụ nữ trên các diễn đàn chính trị. Phụ nữ có quyền năng kinh tế lớn hơn đồng nghĩa với việc họ có khả năng tham gia vào quá trình ra quyết định hiệu quả hơn, không chỉ trong gia đình mà còn ở cấp độ cộng đồng và cả quốc gia.

Điều này dẫn đến kết quả là thúc đẩy sự tiến bộ hơn trong môi trường chính trị, với việc các giá trị, nhu cầu và quan điểm của cả hai giới đều được cân nhắc một cách bình đẳng.

Vì thế, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ không chỉ là vấn đề quyền lợi của cá nhân hay của riêng các nhóm phụ nữ mà còn là chìa khóa để xây dựng một xã hội hài hòa, công bằng và mọi người đều có cơ hội phát triển trong một môi trường ổn định, bền vững.

Báo cáo "Bình đẳng giới, nâng cao quyền năng cho phụ nữ và lãnh đạo" của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng khẳng định rằng trong nhiều bối cảnh, việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ làm tăng cường sự tham gia và lãnh đạo chính trị của phụ nữ.

Khi phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo, họ thường tạo ra những giải pháp sáng tạo và dài hạn hơn cho các vấn đề xã hội và kinh tế. Sự tham gia của họ có thể thúc đẩy các chính sách bền vững và chú trọng đến phúc lợi của cộng đồng, bảo đảm sự phát triển hài hòa hơn cho tất cả các giới, từ đó góp phần bảo đảm sự ổn định chính trị.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ giúp các quốc gia không chỉ thực hiện các cam kết quốc tế về bình đẳng giới mà còn cải thiện hình ảnh quốc gia, thu hút đầu tư và hợp tác từ các đối tác quốc tế.

Về khía cạnh môi trường, báo cáo Sự tiến bộ của Phụ nữ Thế giới 2015 - 2016 của UN Women khẳng định rằng việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ tạo điều kiện giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường phát triển bền vững.

Theo UNDP, phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chính sách và pháp luật bảo vệ môi trường và phát triển con người. Phụ nữ thường có góc nhìn và cách tiếp cận khác biệt trong kinh doanh và quản lý, tạo ra những giải pháp sáng tạo, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và phát triển bền vững.

Đặc biệt, trong ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu phát triển xanh, phụ nữ có quyền năng kinh tế cao hơn sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và phát triển bền vững, nhất là trong các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Việc nâng cao quyền kinh tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để phụ nữ tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào các sáng kiến xanh và bảo vệ môi trường.

Thực tế ở nước ta, phụ nữ chiếm một phần lớn lực lượng lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Có thể nói, việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Khi phụ nữ được tăng cường tiếp cận với các nguồn lực kinh tế, họ không chỉ cải thiện được mức sống của bản thân và gia đình mà còn góp phần tăng năng suất lao động, giảm nghèo đói và thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng.

(Còn nữa)

PGS.TS.Lê Thị Thục, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu khoa học, NXB Chính trị quốc gia Sự thật

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nang-cao-quyen-nang-kinh-te-cho-phu-nu-yeu-to-quan-trong-thuc-day-su-phat-trien-ben-vung-202501161440389.htm