Nâng cao quyền tiếp cận dịch vụ hành chính công của công dân tại Cần Thơ

Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền trong quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công đến người dân và được thể hiện qua kết quả chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Satisfaction Index of Public Administrative Services - SIPAS).

 Trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Cần Thơ.

Trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Cần Thơ.

Nỗ lực của chính quyền địa phương

Cần Thơ cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung luôn xác định chỉ số SIPAS được xây dựng nhằm đánh giá khách quan, chính xác chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của nhà nước tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là “kênh” chủ yếu để chính quyền địa phương lắng nghe, nắm bắt thái độ, cảm nhận của người dân đối với sự phục vụ của mình. Từ đó làm cơ sở để định hướng các giải pháp giúp hoàn thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công trên địa bàn. Điều này góp phần bảo đảm tốt nhất quyền thụ hưởng lợi ích dịch vụ công, phát huy quyền làm chủ và tham gia xây dựng chính quyền nhà nước của Nhân dân.

UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND về cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của thành phố năm 2023 và những năm tiếp theo.

Các cấp ủy và lãnh đạo thành phố Cần Thơ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm phục vụ công tác cải cách hành chính, xây dựng và nâng cao năng lực, phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là các nhiệm vụ có liên quan mật thiết đến thủ tục hành chính đối với người dân. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số vào giải quyết thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng bảo đảm đi từng ngõ, gõ từng nhà giúp người dân làm quen với việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Ngoài ra, tại cơ quan một cửa các trang thiết bị phục vụ người dân cũng được chú ý nâng cấp, lắp đặt mới góp phần hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính được thuận tiện và dễ dàng…

Năm chỉ số SIPAS của Cần Thơ đều có xu hướng tăng

Năm 2023, chỉ số SIPAS của thành phố Cần Thơ đạt 83,12%, xếp vị trí thứ 23/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2022 (hạng 36). So với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ xếp vị trí thứ 4/5, xếp trên thành phố Hồ Chí Minh. So với các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, Cần Thơ xếp vị trí thứ 5/13 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2022.

Hiện nay, chỉ số SIPAS được xây dựng dựa trên năm chỉ số thành phần theo văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ, gồm: chỉ số về tiếp cận dịch vụ; chỉ số về thủ tục hành chính; chỉ số về công chức; chỉ số về kết quả cung ứng dịch vụ công và chỉ số về tiếp nhận, xử lí phản ánh, kiến nghị. Cả năm chỉ số này của Cần Thơ đều có xu hướng tăng điểm so với năm 2022 với mức tăng trung bình đạt 3%, trong đó chỉ số tăng điểm cao nhất là chỉ số về tiếp nhận, xử lí phản ánh, kiến nghị ở mức 3,73% và chỉ số có mức tăng trưởng thấp nhất là chỉ số về thủ tục hành chính với 2,4%.

Đây là sự đền đáp xứng đáng cho những cố gắng của bộ máy chính quyền địa phương, góp phần bảo đảm cho việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân được thuận lợi, dễ dàng. Việc này cũng phần nào cho thấy sự đáp ứng tốt quyền con người cho nhân dân tại địa bàn thành phố Cần Thơ. Bởi lẽ quyền con người được hiểu là quyền được hưởng những nhu cầu thiết yếu, chính đáng và phổ biến của con người, được xã hội thừa nhận và pháp luật bảo hộ. Sự cải thiện cung ứng dịch vụ hành chính công đồng nghĩa với việc cải thiện quyền được thụ hưởng các nhu cầu cơ bản mà một cá nhân phải được đáp ứng, do đó nói thành phố Cần Thơ đã bảo đảm tốt quyền con người thông qua việc nâng cao chỉ số SIPAS là không ngoa.

Trong năm 2024, UBND thành phố xác định việc nâng cao chỉ số SIPAS nhằm cải thiện quyền tiếp nhận dịch vụ hành chính công cho người dân tiếp tục là một nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung nguồn lực để thực hiện. Nhằm hiện thực hóa yêu cầu này UBND thành phố đã cho ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chẳng hạn như: Kế hoạch số 246/KH-UBND về công tác thông tin tuyên truyền cải cách hành chính, Kế hoạch số 247/KH-UBND về công tác kiểm tra cải cách hành chính năm 2024, Kế hoạch số 03/KH-UBND về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2024... Nhìn chung, nội dung chỉ đạo tập trung chủ yếu vào việc cải cách quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công đến người dân theo hai khía cạnh, đó là việc tham gia, tiếp nhận các thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức và trải nghiệm của người dân khi thực hiện các bước giải quyết hồ sơ tại môi trường hành chính công.

Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Cần Thơ đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 26-2-2024 với nguyên tắc một cửa liên thông từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến trả kết quả. Đây là cầu nối tiếp nhận, hướng dẫn, cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ trong thực hiện thủ tục hành chính, hứa hẹn trong thời gian sắp tới chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công đến người dân sẽ được nâng cao một cách đáng kể, hỗ trợ cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính một cách thuận lợi.

Giải pháp thời gian tới

Bên cạnh những thành tựu có được trong quá trình cải thiện chỉ số SIPAS, thành phố Cần Thơ cũng cần quán triệt lại những mặt chưa hoàn thiện nhằm tìm kiếm các giải pháp hữu ích hỗ trợ công tác cải cách hành chính được diễn ra hiệu quả hơn. Phấn đấu làm sao để đến cuối năm 2024 điểm số của địa phương tăng trưởng cao hơn nữa, hỗ trợ Cần Thơ thuộc vào nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chỉ số SIPAS đứng đầu cả nước. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền địa phương có thể xem xét áp dụng các giải pháp sau:

Thứ nhất, các cơ quan, đơn vị xác định vai trò người đứng đầu là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, có giải pháp, sáng kiến thiết thực, phù hợp nhu cầu người dân, nhất là ở Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Nhanh chóng giải quyết những khó khăn, vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Sử dụng hiệu quả kết quả SIPAS để xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai nhiệm vụ được giao, có hình thức khen thưởng phù hợp với cá nhân, tổ chức đạt thành tích trong việc tham mưu triển khai thực hiện và các giải pháp, sáng kiến mang lại sự hài lòng cao cho cá nhân, tổ chức.

Thứ hai, xây dựng, ban hành kế hoạch hành động, văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, tổ chức trực thuộc có liên quan đến các yếu tố đánh giá SIPAS. Trên cơ sở đó phân tích, đánh giá xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan để đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm còn hạn chế.

Thứ ba, tuyên truyền về các lợi ích thiết thực trong thực hiện thủ tục hành chính, nhất là dịch vụ công trực tuyến để cá nhân, tổ chức biết, sử dụng, thúc đẩy sự tham gia đồng hành trong việc giám sát và phản hồi ý kiến về chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Đa dạng hóa các phương thức thông tin, tuyên truyền đúng mục đích, phù hợp với từng đối tượng cá nhân, tổ chức, chủ trì phối hợp với các cơ quan đảng, đoàn thể, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để truyền thông sâu, rộng, dễ hiểu và dễ tiếp cận đến Nhân dân.

Nguyễn Minh Phú, Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/nang-cao-quyen-tiep-can-dich-vu-hanh-chinh-cong-cua-cong-dan-tai-can-tho-21716