Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Bình Phước
BPO - Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (Đề án 641) trên địa bàn tỉnh Bình Phước, thực tế địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nguồn kinh phí, nhân lực... từ đó dẫn đến kết quả chưa như mong đợi. Để Đề án 641 đi vào cuộc sống, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, mang lại sự thay đổi về chất và lượng trong quá trình cải thiện, phát triển thể lực, tầm vóc con người Bình Phước.
Bài 1:
CHUYỂN BIẾN TỪ CƠ SỞ
Việc phát triển thể lực, tầm vóc người dân trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư, bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận làm nền tảng để phát triển trong thời gian tới. Các chương trình, kế hoạch đã được mỗi đơn vị phụ trách, sở, ban, ngành và từng địa phương dốc toàn lực triển khai thực hiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Lồng ghép các chương trình, mục tiêu
Với mục tiêu phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ của người Việt Nam, ngày 28-4-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 641/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030”. Đề án được thực hiện trong 20 năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2011-2020), thực hiện thí điểm giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng và thể dục thể thao (TDTT). Giai đoạn 2 (2021-2030), thụ hưởng thành quả của giai đoạn 1 để thực hiện mở rộng phạm vi toàn quốc và hoàn thiện đề án. Với dự toán kinh phí hoạt động trong 20 năm là 6.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 20%, ngân sách địa phương 30%, 50% còn lại từ nguồn xã hội hóa.
Để Đề án 641 đi vào thực tiễn, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa cách thức triển khai thực hiện, điển hình như: Quyết định số 1923/QĐ-UBND ngày 27-9-2012 thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 179/UBND ngày 27-12-2017 về việc thực hiện chương trình 3 - Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3-18 tuổi, giai đoạn 2017-2030; Kế hoạch số 287/KH-UBND ngày 27-12-2017 về thực hiện chương trình 4 - Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đến ngày 4-5-2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND về thực hiện chương trình 1 - Nghiên cứu, triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người Việt Nam và chương trình 2 - Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số liên quan, do Sở Y tế đảm trách. Trên cơ sở đó, UBND các cấp đã ban hành kế hoạch và nhiều văn bản khác để triển khai thực hiện tại mỗi địa bàn.
Việc phát triển thể lực, tầm vóc người dân trên địa bàn Bình Phước thời gian qua được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận làm nền tảng để phát triển trong thời gian tới. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Thiện Hưng (huyện Bù Đốp) tham gia các hoạt động ngoài trời
Ngoài ra, toàn tỉnh có 684 câu lạc bộ thể thao cơ sở ở khu dân cư, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT. Riêng lĩnh vực trường học có 220/417 câu lạc bộ thể thao, đạt 52,76%; 100% trường học thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất chính khóa; 86% trường học thực hiện giáo dục thể chất ngoại khóa. Tỷ lệ sinh viên tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa đạt 65%; cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực là 98,9%.
Tính đến năm 2021, diện tích đất phục vụ lĩnh vực TDTT do cấp xã, huyện và các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác quản lý trên địa bàn tỉnh là 216 ha; với 1.779 nhà tập luyện, nhà thi đấu thể thao, sân tập luyện, thi đấu thể thao ngoài trời, bể bơi… phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của người dân trên địa bàn tỉnh.
Thông qua việc triển khai thực hiện chương trình 3 và 4 lồng ghép vào các hoạt động liên quan trên địa bàn tỉnh đã mang lại một số kết quả tích cực. Riêng năm 2021, kinh phí dành cho các tổ chức hoạt động sự nghiệp và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất 7,3 tỷ đồng. Về việc lồng ghép các nội dung của Đề án 641 với các hoạt động có liên quan trên địa bàn tỉnh, hằng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai chương trình phổ cập bơi dành cho trẻ em quy tụ hơn 1.000 học sinh tham gia, tập luyện; Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân được tổ chức đồng bộ từ cấp xã, huyện đến tỉnh thu hút hơn 60.000 người tham gia. Bình quân tổ chức 20 giải thi đấu thể thao cấp tỉnh, toàn quốc, khu vực và các cuộc phát động tập luyện TDTT trên toàn tỉnh. Qua đó đã giúp cải thiện ý thức người dân đối với tập luyện thể thao rèn luyện sức khỏe, phát triển thể chất. Đến nay, tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên chiếm khoảng 33,7% tổng dân số toàn tỉnh; số gia đình thể thao chiếm 22,3% tổng số hộ, trong khi năm 2015 chỉ đạt 17,2%.
Những khó khăn, bất cập
Nhiều năm nay, huyện Hớn Quản ưu tiên nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Mặc dù chú trọng triển khai thực hiện Đề án 641 đầy đủ 4 chương trình theo đề án đặt ra, tuy nhiên trên địa bàn huyện điều kiện sân chơi, bãi tập phục vụ hoạt động TDTT vẫn còn hạn chế. Đến năm 2022, toàn huyện chỉ có 2 hồ bơi, 7 sân bóng đá theo hình thức xã hội hóa. Các công trình thể thao được đầu tư bài bản còn ít, toàn huyện chỉ có 4 sân vận động có khán đài, 5 sân vận động không có khán đài, 13 sân bóng chuyền, 15 sân cầu lông, 5 sân quần vợt.
Thiếu sân chơi đạt chuẩn, học sinh ở điểm lẻ ấp Sóc Quả, Trường tiểu học Tân Hưng, xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản phải vui chơi trong không gian chật hẹp - Ảnh: Hồng Phương
Sau khoảng 8 năm triển khai thực hiện đề án tại huyện Hớn Quản, mặc dù đã có sự quyết tâm cao, tuy nhiên kết quả vẫn còn hạn chế. Quá trình triển khai thực hiện đề án còn nhiều khó khăn do thiếu kinh phí hoạt động; các chương trình của đề án chủ yếu được lồng ghép vào các hoạt động khác ở địa phương nên khó khăn trong điều hành, chỉ đạo và kết quả không được như mong muốn. Việc triển khai sữa y tế học đường đối với các trường học vùng sâu, xa gặp khó khăn, thiếu kinh phí nên không được thường xuyên, liên tục. Mặt khác, một số đơn vị chưa triển khai thực hiện đề án thường xuyên, sâu sắc. Các cơ quan, đơn vị liên quan chưa thường xuyên trao đổi để thống nhất trong việc thực hiện đề án, kế hoạch triển khai đề án hằng năm.
Huyện Hớn Quản là một trong nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh gặp khó trong việc triển khai đề án, quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng. Để tháo gỡ khó khăn này, Phó chủ tịch UBND huyện Hớn Quản Nguyễn Văn Hạ đã có kiến nghị, đề xuất tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh ngày 17-8-2022 một số nội dung: Cấp có thẩm quyền ban hành các kế hoạch, hướng dẫn cụ thể để các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đề án thuận lợi. Ban điều phối đề án tỉnh cần hướng dẫn mô hình mẫu để địa phương tham quan, học tập trong việc thực hiện Đề án 641. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ đối với các địa phương còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất phục vụ việc thực hiện đề án tại địa phương.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/137040/de-de-an-641-khong-chi-tren-giay-bai-1