Nâng cao thu nhập từ chuyển đổi cây trồng
Trong vài năm trở lại đây, nông dân huyện Long Phú đã thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn và thu được kết quả tích cực, nâng cao thu nhập gia đình.
Được sự giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Long Đức, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Văn Ly, ấp Lợi Đức, xã Long Đức để tìm hiểu vườn mít siêu sớm đang độ thu hoạch trái. Nhiệt tình mời chúng tôi ra khu vườn mít tham quan, ông Ly tâm tình: “Vườn mít của tôi trồng tính đến thời điểm hiện tại đã gần 4 năm, thu hoạch trái đã 3 đợt. Trong năm 2020, thu hoạch 2 đợt/năm với sản lượng mít 20 tấn/2ha. Năm 2021 đã bắt đầu thu hoạch trái khoảng 1 tháng nay và dự kiến sản lượng mít thu hoạch trong năm 2021 khoảng 25 tấn”.
Ông Ly chia sẻ thêm: “Diện tích đất trồng mít siêu sớm trước đây tôi trồng nhãn da bò, tuy nhiên nhãn bị ảnh hưởng bệnh chổi rồng, năng suất thấp, giá bấp bênh. Có dịp đến nhà người quen ở Hậu Giang, thấy cây mít dễ trồng, cho năng suất cao nên tôi mạnh dạn đốn hạ toàn bộ diện tích nhãn, cải tạo đất trồng mít siêu sớm. 1 công mít chi phí đầu tư ban đầu tầm 42 triệu đồng và mất thời gian chăm sóc khoảng 18 tháng sẽ thu hoạch. Khi mít bắt đầu cho trái, cây ra hoa kết trái hàng loạt và trên cây có rất nhiều trái, để đảm bảo sức cây cũng như dưỡng cây lâu dài, đợt trái đầu tiên tôi chỉ để 1 trái/cây, đến vụ thứ 2 cây lớn hơn mới giữ lại số lượng trái trên cây nhiều hơn. Hiện tại, vườn mít siêu sớm đang bước vào vụ thu hoạch trái vụ thứ 4. Sau gần 4 năm trồng, giá mít thương lái thu mua tận vườn là 20.000 đồng/kg, dự đoán vụ mít trong năm thu số lượng trái tầm 20 - 25 tấn. Nếu tính giá bán bình quân 20.000 đồng/kg (vì có thời điểm giá mít lên tới 35.000 - 55.000 đồng/kg), trừ hết các khoảng chi phí lợi nhuận tầm 400 triệu đồng. Ngoài bán mít số lượng lớn cho thương lái, tôi còn tuyển bán lẻ tại chợ, mỗi ngày cho thu nhập từ 500.000 - 600.000 đồng. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng mít siêu sớm thêm 1ha để nâng cao thu nhập gia đình”.
Nếu như ông Ly chuyển đổi cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn thì ông Bùi Văn Tuấn, ấp Lợi Hưng, xã Long Đức (Long Phú) đã chuyển đổi trồng lúa sang trồng màu đem lại nguồn thu nhập ổn định trong suốt 3 năm qua. Dẫn chúng tôi ra tham quan khu vực trồng màu của những hộ liền kề nhau chuyển đổi từ lúa sang trồng màu, ông Tuấn bộc bạch: “Ban đầu đưa cây màu xuống thay thế lúa vụ 3, thấy hiệu quả kinh tế từ cây màu đem đến cao gấp nhiều lần so với lúa, tôi mạnh dạn chuyển sang trồng màu. Với 3 công đất trồng màu, tôi xuống giống được 3 vụ/năm, nào là khổ qua, bầu, bí, mướp, dưa leo. Với đợt màu này, tôi sản xuất dưa leo, năng suất thu về tầm 4 tấn/công. Như vậy 3 công dưa leo, thu hoạch gần hết vụ được 12 tấn, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng”.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú Lâm Văn Vũ cho biết: “Trong những năm qua, đơn vị tích cực phối hợp các ngành chuyên môn hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang trồng trọt, chăn nuôi có năng suất, chất lượng hơn. Chẳng hạn như thực hiện Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản, trong đó có cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang loại cây ăn trái đặc sản cũng như thực hiện Đề án Phát triển sản xuất lúa đặc sản, huyện cũng đã chuyển đổi cơ cấu giống lúa thường sang các giống lúa đặc sản để nâng chất lượng hạt lúa, đặc biệt là góp phần tăng thu nhập cho hộ dân trên cùng diện tích đất sản xuất. Qua đó, năm 2020 huyện đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn trái hơn 77ha và diện tích chuyển sang trồng màu gần 76ha”.