Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn dịch bệnh do nCoV

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (nCoV), Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, hiện nay, các quy định đã có đủ, ngành y tế cũng cam kết triển khai các biện pháp hỗ trợ cho các địa phương về kỹ thuật, thuốc men, trang thiết bị y tế phục vụ điều trị… do đó vấn đề quan trọng nhất lúc này là tổ chức thực hiện. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về cấp ủy, chính quyền địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh do nCoV tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh do nCoV tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm công tác phòng, chống nCoV. Ðối với các cơ quan chức năng, biện pháp mạnh nhất lúc này là phải kiểm soát chặt chẽ những người nhập cảnh từ vùng có dịch; tổ chức cách ly, khoanh vùng, dập dịch theo phương châm bốn tại chỗ; những người nghi nhiễm phải được cách ly tuyệt đối và triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm ngăn chặn không cho dịch bệnh lan ra cộng đồng, dễ dẫn tới mất kiểm soát. Với mỗi người dân Việt Nam, biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng, chống dịch bệnh lúc này là cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế về sử dụng khẩu trang, vệ sinh cá nhân, tránh tụ tập, tiếp xúc nơi đông người…

Ngày 4-2, Bộ Y tế thông báo, Việt Nam có thêm hai trường hợp dương tính với nCoV tại tỉnh Vĩnh Phúc. Trường hợp thứ nhất, người bệnh T.C.P (nam, 30 tuổi, huyện Tam Ðảo) là một trong tám người được công ty cử sang tập huấn tại Vũ Hán, Trung Quốc (trong số tám người này, đã có bốn người có kết quả dương tính với nCoV). Hiện, người bệnh T.C.P đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Ðông Anh, trong tình trạng ổn định. Trường hợp thứ hai, người bệnh P.T.B (nữ, 42 tuổi, huyện Bình Xuyên). Hiện, người bệnh P.T.B đang được điều trị cách ly tại khu cách ly Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, trong tình trạng ổn định. Ðiều tra dịch tễ cho thấy, người bệnh có đến nhà người bệnh N.T.D (một trong bốn người được xác định dương tính với nCoV nêu trên) chơi trong dịp Tết Nguyên đán. Như vậy, tính đến (ngày 4-2) Việt Nam ghi nhận 10 trường hợp mắc nCoV, trong đó có ba trường hợp đã được xuất viện.

Ngày 4-2, người bệnh L.T.T.H (25 tuổi, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), là lễ tân khách sạn ở Nha Trang, từng nhiễm nCoV đã được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa cho xuất viện sau khi kết quả xét nghiệm ba lần của người bệnh đều âm tính với nCoV.

Sáng 4-2, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh đã cho người bệnh Li Zichao (sinh năm 1992) xuất viện sau 14 ngày cách ly, điều trị. Li Zichao cùng với cha là ông Li Ding là hai ca nhiễm nCoV đầu tiên ở Việt Nam. Còn người bệnh Li Ding đã có kết quả xét nghiệm lần thứ nhất âm tính với nCoV, đang chờ những xét nghiệm tiếp theo. Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh thông báo, sáng 4-2, một vị khách mang quốc tịch Ấn Ðộ vừa được cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Vị khách này từng lưu trú ở Trung Quốc, rồi quá cảnh qua Vũ Hán, sau đó bay qua Thái-lan từ ngày 29-1, bay đến Việt Nam từ ngày 3-2.

Ngày 4-2, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn hỏa tốc yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ theo phân công) để tránh tập trung đông người; kịp thời thông báo cho nhân dân, du khách biết. UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã ban hành văn bản gửi UBND các phường và phòng, ban trên địa bàn về việc tạm dừng hoạt động tại các không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc đã phun khử khuẩn tại các địa phương có người bệnh nhiễm nCoV. Ngoài ra, tỉnh đang theo dõi 70 trường hợp có liên quan tiếp xúc gần với những người bệnh. Tỉnh yêu cầu các ngành chức năng lập hồ sơ theo dõi sức khỏe của số lao động Trung Quốc mới sang sau kỳ nghỉ Tết.

UBND tỉnh Phú Yên vừa họp triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh do nCoV. Theo đó, yêu cầu các sở, ngành xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh. Ngành y tế Phú Yên đã xây dựng các phương án chi tiết về tiếp nhận và xử lý khi có trường hợp nghi nhiễm nCoV, tổ chức diễn tập tình huống giả định, lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các thông tin. Sở Y tế cũng có công văn chấn chỉnh việc cung ứng khẩu trang y tế trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc, vật tư y tế tăng cường nguồn cung; phối hợp Cảng hàng không Tuy Hòa triển khai máy đo thân nhiệt từ xa bằng đèn hồng ngoại để kiểm tra hành khách.

Tối 4-2, tại cuộc họp khẩn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh do nCoV, UBND tỉnh Cà Mau thống nhất cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh được nghỉ học từ ngày 5 đến hết ngày 9-2. Các đơn vị, trường học tại địa phương, bằng nhiều cách khác nhau phải phổ biến nhanh nhất đến giáo viên, phụ huynh học sinh ngay trong đêm 4-2. Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cũng xác nhận, có hai trường hợp nghi nhiễm nCoV đã được cách ly. Trường hợp thứ nhất là ông N.Q.A. (35 tuổi, ngụ phường 6, TP Cà Mau), làm nghề lái xe khách cho thuê. Ngày 20-1, ông A. đưa đoàn khách du lịch gồm tám người, trong đó có người Trung Quốc, từ TP Cà Mau về thị trấn Cái Ðôi Vàm (huyện Phú Tân, Cà Mau) và đưa khách về lại Bến xe khách Cà Mau. Ðến ngày 28-1, ông A. có biểu hiện sốt, đau họng. Trường hợp thứ hai là bà T.H.N. (30 tuổi, ngụ huyện Ðầm Dơi, Cà Mau), có chồng là người Trung Quốc. Ngày 25-1 vừa qua, bà N. từ Thượng Hải (Trung Quốc) về Việt Nam, nhập viện khoảng một tuần nay với triệu chứng ho ra máu, đau họng, khó thở.

Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên xây dựng kế hoạch thành lập ba bệnh viện dã chiến tại TP Thái Nguyên, thị xã Sông Công và thị xã Phổ Yên. Bệnh viện C Thái Nguyên đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo, thành lập tổ cấp cứu lưu động, kíp trực và hai tổ đáp ứng nhanh. Tỉnh Thái Nguyên thực hiện quản lý những người có nguy cơ nhiễm nCoV cao, kịp thời phát hiện, cách ly và điều trị khi có triệu chứng.

Lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh thực hiện xét nghiệm nCoV ngay tại tỉnh bằng hệ thống máy xét nghiệm Realtime RT - PCR tự động, được đầu tư mới từ kinh phí phòng, chống dịch của tỉnh. Ngày 4-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã thực hiện xét nghiệm 11 mẫu bệnh phẩm trên địa bàn tỉnh có nghi ngờ nhiễm nCoV, kết quả đều âm tính. Trường hợp có kết quả dương tính, mẫu bệnh phẩm sẽ được chuyển cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định. Thời gian tới, nếu được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá công nhận, tỉnh Quảng Ninh có thể độc lập xét nghiệm. Thực hiện Công điện số 156/CÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công văn về việc thống nhất quy trình đón nhân dân và du khách người Việt Nam trở về trên các chuyến bay đến Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn từ Trung Quốc. Tỉnh Quảng Ninh cho biết, Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn là địa điểm duy nhất ở khu vực miền bắc tổ chức đón nhân dân và du khách người Việt Nam từ vùng dịch trở về. Tỉnh yêu cầu các cơ quan công an, quân đội, lực lượng y tế ở Cảng hàng không quốc tế Vân Ðồn phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để xử lý hiệu quả các tình huống liên quan đến dịch bệnh do nCoV.

Ngày 4-2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Lạng Sơn cho biết, để bảo đảm việc cách ly đối với người dân từ Trung Quốc trở về, tỉnh đã chuẩn bị ba địa điểm nằm ở khu vực đơn vị quân đội, với đầy đủ cơ sở vật chất, nhu cầu cách ly, chăm sóc y tế cho khoảng hơn một nghìn người. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn vừa phối hợp Sở Ngoại vụ, Công ty TNHH đầu tư Hữu Nghị Phúc Khang và Công ty cổ phần Vật tư Y tế tỉnh Lạng Sơn tổ chức trao các vật dụng y tế để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV cho Quảng Tây (Trung Quốc), với tổng trị giá hơn 1,2 tỷ đồng.

UBND tỉnh Hà Giang cho biết, trong những ngày tới, khi phía Trung Quốc trao trả lao động, tỉnh đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận lao động qua các cửa khẩu chính và cửa khẩu tiểu ngạch; bố trí nhân lực, khu vực cách ly để thực hiện quy trình kiểm tra, giám sát, cách ly. Người Việt Nam từ Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy phải thực hiện quy trình cách ly và sẽ được bố trí lưu trú tại bệnh viện dã chiến để kiểm tra, sau 14 ngày mới được di chuyển đi nơi khác.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Lai Châu, trên địa bàn hiện có 20 trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV, trong đó ba trường hợp đã có xét nghiệm âm tính với nCoV, 17 trường hợp đang cách ly điều trị, chờ kết quả xét nghiệm. Tỉnh Lai Châu có đường biên giới giáp với Trung Quốc và có nhiều lối mở, do đó, tỉnh đã tổ chức kiểm tra, tạm dừng các hoạt động qua lại đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới của tỉnh.

Các cơ sở y tế của tỉnh Ðiện Biên đã cách ly, theo dõi năm trường hợp có biểu hiện sốt, viêm phổi liên quan đến yếu tố dịch tễ đi, đến vùng có dịch bệnh. Hiện, đã có kết quả xét nghiệm của ba trường hợp tại huyện Mường Nhé, Nậm Pồ âm tính với nCoV; hai trường hợp còn lại tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Ngoài ra, tại huyện Nậm Pồ, có hai giáo viên và 34 học sinh có biểu hiện cúm, ho, sốt. Số học sinh này tiếp xúc với bố, mẹ đi làm từ Trung Quốc mới trở về nước. Các trường đã cho 34 học sinh và hai giáo viên nghỉ để đến cơ sở y tế kiểm tra, theo dõi.

Ngày 4-2, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, năm người bệnh nghi nhiễm nCoV được cách ly tại Bệnh viện Ða khoa Ninh Bình và tại nơi cư trú đã có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi tình trạng sức khỏe đủ 14 ngày. Ngành y tế theo dõi, giám sát 70 trường hợp khác ở một số huyện trong tỉnh có tiếp xúc gần những trường hợp nghi nhiễm nCoV.

Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngày 4-2, có thêm ba người bệnh được theo dõi, điều trị tại Khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Thanh Hóa có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV đã được xuất viện. Hiện, có hai người bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan đang được cách ly, theo dõi, điều trị. Hệ thống giám sát y tế ở Thanh Hóa đang theo dõi 124 người có tiếp xúc gần với người nhiễm và nghi nhiễm nCoV.

Sở Y tế tỉnh Quảng Bình phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình và các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động kiểm tra y tế tại cửa khẩu quốc tế Cha Lo, huyện Minh Hóa. Người dân khi tham gia xuất, nhập cảnh, thực hiện các bước kiểm tra, khai báo nơi đi, nơi đến, đo thân nhiệt. Những người có biểu hiện nghi ngờ nhiễm nCoV sẽ được cách ly tạm thời để kiểm tra.

Ngày 4-2, Ðà Nẵng cho xuất viện 16 trường hợp và tiếp nhận 11 trường hợp nghi nhiễm nCoV. Hiện, có 26 người bệnh đang được theo dõi tại Ðà Nẵng, sức khỏe tạm ổn. Sở Thông tin và Truyền thông TP Ðà Nẵng có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố để tuyên truyền, khuyến nghị người dân tăng cường dùng dịch vụ công trực tuyến thành phố (tại địa chỉ http://dichvucong.danang.gov.vn) trên tất cả mọi lĩnh vực nhằm hạn chế việc tiếp xúc nơi đông người. Từ chiều 4-2, Sở Giao thông vận tải TP Ðà Nẵng phối hợp Sở Y tế cấp phát miễn phí khẩu trang y tế bảy ngày liên tiếp tại các địa điểm công cộng.

Sáng 4-2, tại cuộc họp triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nCoV gây ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nCoV. Ngành y tế sẵn sàng tiếp nhận và điều trị các trường hợp nghi nhiễm nCoV. Hiện, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã lên kế hoạch tiếp nhận 130 công dân Việt Nam từ các nước có dịch về cách ly tại Trung tâm huấn luyện bồi dưỡng giáo dục quốc phòng.

Ngày 4-2, Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, xét nghiệm của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho kết quả người bệnh H.V.L, 71 tuổi, ngụ xã Hòa An, huyện Chợ Mới, An Giang âm tính với nCoV. Người bệnh là Việt kiều Mỹ, đi chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam có quá cảnh tại sân bay Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 20-1-2020. Hiện, tỉnh An Giang có sáu bệnh viện tại TP Long Xuyên, TP Châu Ðốc, thị xã Tân Châu và 10 trung tâm y tế có khả năng thu dung, điều trị nCoV.

Ngày 4-2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành văn bản về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch nCoV. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN; nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn theo quy định hiện hành.

Nhằm hỗ trợ vận chuyển, đưa hành khách trở về Việt Nam, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đưa tàu bay thân rộng Boeing 787-9 vào khai thác thay cho Airbus A321 trên các chuyến bay mang số hiệu VN594/595 giữa TP Hồ Chí Minh và Hồng Công (Trung Quốc) vào các ngày 5, 6, 7 và 9-2. VNA cũng chủ động phối hợp chặt chẽ nhà chức trách, các đơn vị liên tục theo dõi tình hình, kiểm tra sức khỏe hành khách, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu nhiễm bệnh trên chuyến bay và tại sân bay.

Ngày 4-2, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình Chung tay phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona gây ra. Tại chương trình, Ủy ban MTTQ thành phố đã tổ chức tiếp nhận sự đăng ký, ủng hộ của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân trên địa bàn Thủ đô; bao gồm hơn 10.000 lọ nước rửa tay sát khuẩn, 10.000 khẩu trang và 100 triệu đồng tiền mặt. MTTQ thành phố Hà Nội đã tổ chức cấp phát miễn phí khẩu trang tại năm địa điểm, gồm: Trụ sở cơ quan Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội (29 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm); ngã tư Tràng Tiền với Ðinh Tiên Hoàng thuộc quận Hoàn Kiếm; bến xe bus gần chợ Long Biên thuộc quận Ba Ðình; đối diện cổng Bệnh viện Thanh Nhàn và xóm chạy thận thuộc quận Hai Bà Trưng…

Tổng cục Thể dục - thể thao (TDTT) vừa có Công văn số 102/TCTDTT-VP về việc phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV trong các hoạt động thể thao. Theo đó, Tổng cục TDTT đề nghị các cơ quan quản lý thể thao tạm dừng tổ chức các giải thi đấu thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia và quốc tế tại Việt Nam trong tháng 2-2020. Ðối với các địa phương, đề nghị xem xét tạm dừng tổ chức các hoạt động thi đấu có đông người tham gia. Các Trung tâm huấn luyện thể thao, cơ sở huấn luyện tập trung vận động viên khẩn trương triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế và các cơ sở y tế địa phương; quản lý chặt chẽ việc ra, vào cơ sở tập huấn và hạn chế tối đa việc tổ chức các hoạt động tập huấn dã ngoại.

Ngày 4-2, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam (ÐBVN) có công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan triển khai các biện pháp ngăn ngừa dịch cúm nCoV. Theo đó, Tổng cục đề nghị các Sở Giao thông vận tải (GTVT) có đường biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc tạm thời ngừng cấp phép liên vận cho phương tiện từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc và chiều ngược lại. Hai sở GTVT Hà Nội và Hải Phòng chỉ đạo các bến xe tạm dừng hoạt động phương tiện vận tải hành khách từ Trung Quốc về Việt Nam (tuyến Hà Nội - Nam Ninh, tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Nam Ninh),...

Tám lưu ý khi sử dụng khẩu trang y tế

- Chỉ sử dụng một lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy.

- Khi đeo khẩu trang phải để mặt xanh ra ngoài, do mặt xanh có tính chống nước.

- Mặt mầu trắng có tính hút ẩm nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang.

- Khẩu trang phải đeo che kín cả mũi lẫn miệng.

- Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm vi-rút và các tác nhân khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người chung quanh.

- Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra, thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ lây nhiễm vi- rút và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay.

- Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn.

- Rửa tay ngay sau khi tháo bỏ khẩu trang.

Lùi thời gian xuất cảnh đối với NLÐ Việt Nam sang làm việc tại các nước có người nhiễm nCoV

Theo Công văn số 213 của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động (NLÐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh do nCoV. Ðối với NLÐ chuẩn bị xuất cảnh, yêu cầu các doanh nghiệp trao đổi với đối tác nước ngoài để tạm thời lùi thời gian xuất cảnh đối với NLÐ Việt Nam sang làm việc tại các nước có các trường hợp nhiễm nCoV. Trường hợp cần thiết xuất cảnh, doanh nghiệp cần quán triệt cho NLÐ chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh do nCoV, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận lao động. Ðối với NLÐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động đến thời hạn về nước, các doanh nghiệp tổ chức đón NLÐ và yêu cầu NLÐ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về y tế khi nhập cảnh. Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp phải tổ chức khám cho NLÐ tại các cơ sở y tế trước khi NLÐ trở lại địa phương…

* Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho biết, tính đến 16 giờ 30 phút ngày 4-2, đã có 57 tỉnh, thành phố báo cáo về việc quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Dừng tàu hỏa liên vận quốc tế đi Trung Quốc

Ngày 4-2, Bộ Giao thông vận tải ký Công văn hỏa tốc, quyết định dừng tàu hỏa liên vận quốc tế đi Trung Quốc để phòng dịch bệnh do nCoV. Theo đó, tạm dừng khai thác chạy tàu khách quốc tế các đoàn tàu số hiệu T8701/MR2 (gồm các toa xe khách liên vận quốc tế) từ 18 giờ 5 phút ngày 4-2; tạm dừng khai thác chạy tàu khách quốc tế các đoàn tàu số hiệu MR1/T8702 từ 21 giờ 20 phút ngày 5-2. Hành khách Việt Nam sang Trung Quốc bằng tàu MR1 trong tối 4-2, lực lượng biên phòng Trung Quốc sẽ thực hiện cách ly ngay tại cửa khẩu ít nhất 14 ngày để bảo đảm không lây lan dịch. Ngành đường sắt sẽ hoàn lại 100% tiền vé cho hành khách đã mua trước, không mất phí trả vé trong vòng 30 ngày. Việc khôi phục khai thác chạy tàu liên vận sẽ được thực hiện khi có thông báo mới của Bộ Giao thông vận tải. Ðối với các đoàn tàu hàng quốc tế, trước mắt vẫn tiếp tục khai thác chạy tàu qua hai cửa khẩu đường sắt Ðồng Ðăng (Lạng Sơn) và Lào Cai.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43148402-nang-cao-trach-nhiem-cua-cap-uy-chinh-quyen-dia-phuong-trong-viec-ngan-chan-dich-benh-do-ncov.html