Nâng cao trách nhiệm của chủ hộ kinh doanh, sản xuất trong công tác phòng cháy, chữa cháy
Để nâng cao ý thức, trách nhiệm và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, xử lý tình huống kịp thời, CAH Mê Linh, Hà Nội đã tuyên truyền, tập huấn, trang bị kiến thức cho hộ gia đình và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tại xã Thạch Đà.
Theo Thượng tá Ngô Tiến Long, Phó trưởng CAH Mê Linh cho biết: “Nhà ở hộ gia đình và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thường là loại hình nhà xây dựng tự do và không theo quy hoạch. Do hồ sơ thiết kế xin phép là xây dựng nhà ở, nên hầu hết không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Khi có nhu cầu chuyển đổi mục đích sang dạng nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thì cải tạo, sữa chữa lại. Chính vì vậy, khi đưa vào sử dụng sẽ không bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC hoặc không phù hợp với ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Từ thực trạng trên đã dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao”.
Để hạn chế cháy, nổ và thiệt hại do cháy gây ra, CAH Mê Linh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền để phát huy sức mạnh tổng hợp từ nhân dân tham gia công tác an toàn PCCC. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại về PCCC.
Qua rà roát, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH cùng Công an xã đã lập danh sách, chia từng loại hình, cơ sở ở từng địa bàn để tổ chức tuyên truyền cho phù hợp đối tượng, người dân. Điển hình tại xã Thạch Đà, do có đông số hộ gia đình kết hợp kinh doanh và làm nơi ở, nên Đội Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức nâng cao kiến thức, trang bị kỹ năng, khuyến cáo...
Tại buổi tuyên truyền, tập huấn, báo cáo viên đã trang bị kiến thức pháp luật, quy định về an toàn PCCC, đồng thời trình chiếu hình ảnh, clip của nhiều vụ cháy trong thời gian qua trên địa bàn thành phố để cùng trao đổi kinh nghiệm, đưa ra những bài học về công tác PCCC.
“Diện tích nhà nhỏ, phải tận dụng tối đa diện tích, kể cả cầu thang, hành lang để hàng hóa dễ cháy, nơi đun nấu, thờ cúng ở gần sát với các vật liệu, chất dễ cháy. Đây là những hoạt động có nguy cơ phát sinh cháy, nổ cao. Cùng với đó, các hộ gia đình không trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu, hoặc có nhưng thiếu về số lượng và không đảm bảo chất lượng, không biết thao tác, sử dụng dụng cụ và phương tiện chữa cháy khi xảy ra sự cố sẽ khôn lường” - báo cáo viên khuyến cáo.
Đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ, nhưng trong đó ý thức chủ quan, lơ là của người dân không tuân thủ nghiêm túc quy định an toàn PCCC là nguyên nhân chính. Để bảo đảm an toàn PCCC người dân cần mở lối thoát nạn thứ 2 trong gia đình, sân thượng phải bố trí thông thoáng, có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định; không xây bít ô thông tầng để không ảnh hưởng đến thoát khói tự nhiên; bảo đảm quy định an toàn trong lắp đặt, sử dụng điện.
Sau khi kết thúc phần trang bị lý thuyết, các học viên được thực hành, nhận biết, cách thức sử dụng bình chữa cháy hiệu quả, an toàn và được trải nghiệm dập lửa trong tình huống cháy giả định.