Nâng cao trách nhiệm của người đại biểu dân cử
Trong 9 tháng năm 2024, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, HĐND các huyện, thành phố, thị xã (gọi chung là HĐND cấp huyện) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND cấp huyện được quan tâm thực hiện thường xuyên, chất lượng và hiệu quả các mặt công tác ngày càng được nâng lên.TỔ CHỨC TỐT CÁC KỲ HỌP
Trong 9 tháng năm 2024, Thường trực HĐND tỉnh, HĐND cấp huyện đã thực hiện tốt công tác phối hợp các nhiệm vụ trọng tâm theo chương trình công tác đề ra. Thường trực HĐND tỉnh, HĐND cấp huyện đã tổ chức thành công các kỳ họp thường lệ theo kế hoạch trong năm 2024. Đồng thời, tổ chức các kỳ họp chuyên đề giữa 2 kỳ họp thường lệ để giải quyết các vấn đề phát sinh đột xuất đáp ứng kịp thời các chính sách tại địa phương.
Theo đó, trong 9 tháng năm 2024, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức thành công Kỳ họp thứ 12 (Kỳ họp chuyên đề) và Kỳ họp thứ 13 (Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024); đã xem xét thông qua 29 nghị quyết gồm 7 nghị quyết quy phạm pháp luật và 22 nghị quyết không quy phạm pháp luật.
Và cuối tháng 10-2024, HĐND tỉnh cũng đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ 14 (Kỳ họp chuyên đề) và thông qua 6 nghị quyết… Thường trực HĐND cấp huyện trong 9 tháng qua tổ chức thành công Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 và Kỳ họp chuyên đề xem xét thông qua 129 nghị quyết không quy phạm pháp luật…
Cùng với đó, HĐND tỉnh, cấp huyện phối hợp trong thực hiện hồ sơ, quy trình miễn nhiệm, bầu bổ sung nhân sự của địa phương; xem xét, hỗ trợ hoặc cung cấp thông tin cho các ngành liên quan giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; phối hợp trong hoạt động giám sát, khảo sát cũng như báo cáo kết quả thực hiện các nội dung chuyên đề theo yêu cầu của bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hướng dẫn một số hoạt động đối với HĐND cấp xã...
Đặc biệt, công tác giám sát chuyên đề, nội dung giám sát được chọn lọc có trọng tâm, tập trung những vấn đề bức xúc, xã hội quan tâm. Trong 9 tháng năm 2024, Thường trực HĐND tỉnh và các ban của HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát 4 chuyên đề gồm: Giám sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật quy hoạch sử dụng đất gắn với việc mời gọi các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Giám sát về “Tình hình cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”; Giám sát về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đối với người lao động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Giám sát chuyên đề về “tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” và Khảo sát việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi người dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Cấp huyện và các Ban của HĐND cấp huyện cũng đã tổ chức 41 cuộc giám sát chuyên đề theo Chương trình giám sát năm 2024 đã đề ra. Qua việc giám sát chuyên đề đã giúp cho các đơn vị chịu sự giám sát thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, qua đó góp phần giải quyết những vấn đề bất cập, bức xúc cử tri quan tâm; đồng thời, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và những chủ trương của tỉnh tại địa phương, từ đó tăng thêm niềm tin của nhân dân vào cơ quan dân cử.
NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA ĐẠI BIỂU TẠI NƠI ỨNG CỬ
Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri, sau Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023, trước và sau Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, Thường trực HĐND tỉnh, cấp huyện phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức để đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri tại địa bàn ứng cử với 322 cuộc, có 22.635 cử tri tham dự với 2.087 ý kiến, kiến nghị; đồng thời, tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.
Đặc biệt, nổi bật là Tổ đại biểu HĐND huyện Gò Công Tây và huyện Gò Công Đông đã tổ chức triển khai kế hoạch giám sát của Tổ đại biểu HĐND huyện; Thường trực HĐND các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Chợ Gạo, Gò Công Tây và TP. Mỹ Tho tổ chức để đại biểu HĐND huyện, thành phố tiếp công dân tại nơi ứng cử, nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu và hoạt động của Tổ đại biểu HĐND tại đơn vị ứng cử.
Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Gò Công Tây Lê Nhất Nam, 9 tháng năm 2024, Thường trực HĐND huyện Gò Công Tây tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề tại điểm xã Đồng Thạnh, bước đầu đã thành công tốt đẹp, nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến của nhiều cử tri. Đây là hình thức mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu, nhất là những vấn đề lớn có tác động trực tiếp đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện…
Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân; xử lý đơn, thư khiếu nại của công dân tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Cụ thể, Thường trực HĐND tỉnh đã tiếp 55 lượt với 73 công dân, không có lượt đoàn đông người; nhận 90 đơn (kể cả qua đường bưu điện); chuyển cơ quan chức năng xem xét 10 đơn (trong đó yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phúc đáp 5 đơn); hoàn và hướng dẫn 36 đơn, lưu 44 đơn do không đủ điều kiện để xem xét hoặc đơn trùng lặp.
Đến ngày 15-9-2024, Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang đã nhận 4 văn bản phúc đáp kết quả giải quyết từ các cơ quan có thẩm quyền và đã thông tin, phúc đáp kết quả giải quyết đến công dân đúng theo quy định. Thường trực HĐND cấp huyện đã tiếp 11 lượt công dân, nhận 48 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân và giải thích, hướng dẫn người dân chuyển cơ quan chức năng xem xét, giải quyết...
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh, hoạt động của HĐND cũng còn một số khó khăn, hạn chế như: Các văn bản của UBND trình kỳ họp HĐND còn chậm so với thời gian quy định theo kế hoạch tổ chức các kỳ họp, đã ảnh hưởng đến tiến độ thẩm tra cũng như chất lượng báo cáo thẩm tra của các ban HĐND.
Một số đại biểu do hoạt động kiêm nhiệm, tập trung nhiều cho nhiệm vụ chuyên môn, chưa sắp xếp thời gian tham gia đầy đủ các hoạt động của HĐND, nhất là trong tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, thẩm tra của ban. Việc quan tâm truy cập, khai thác Văn phòng điện tử của đại biểu HĐND còn hạn chế nên một số nội dung, văn bản gửi đến đại biểu chưa được cập nhật và nghiên cứu kịp thời…
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực HĐND cấp huyện 9 tháng năm 2024, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao kết quả Thường trực HĐND tỉnh và cấp huyện phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong 9 tháng qua.
Đồng chí đề nghị thời gian còn lại của năm 2014, HĐND tỉnh, cấp huyện tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND; trong đó, quan tâm nâng chất các ban của HĐND, các tổ đại biểu, tạo điều kiện phát huy năng lực, trí tuệ của các đại biểu HĐND; chuẩn bị chu đáo các kỳ họp, các đợt tiếp xúc cử tri.
Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm trong tổng hợp các ý kiến của cử tri và chuyển đến cơ quan giải quyết theo đúng thẩm quyền. Đối với việc ban hành nghị quyết, đồng chí đề nghị: Thường trực HĐND các cấp, các ban của HĐND phải thẩm tra chặt chẽ các dự thảo nghị quyết, đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ, tính khả thi khi được ban hành; quan tâm việc triển khai thực hiện nghị quyết sau khi nghị quyết được ban hành.
Ngoài ra, đối với một số nội dung còn mới như việc thực hiện các thủ tục sắp xếp đơn vị hành chính các địa phương hoặc một số vấn đề còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, HĐND cấp huyện có thể tổ chức đi học tập kinh nghiệm của HĐND các địa phương khác đã thực hiện thành công để về áp dụng trong điều kiện thực tế của địa phương sao cho hiệu quả…