Nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, tạo chuyển biến trong giữ gìn an ninh, trật tự

Bộ Công an cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công an đã luân chuyển, điều động, bổ nhiệm 33 giám đốc công an cấp tỉnh không là người địa phương. Chủ trương đúng đắn này đã, đang và sẽ nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tạo chuyển biến trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự tại các địa phương.

Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, chủ trương điều động, bổ nhiệm giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không là người địa phương nhằm thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết số 22-NQ/TƯ ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Bên cạnh đó, việc luân chuyển, điều động, bổ nhiệm vừa qua xuất phát từ thực tế có những trường hợp lãnh đạo, chỉ huy công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đủ tuổi tái cử thì cần thay thế theo quy định, tạo điều kiện cho công tác tổ chức đại hội Đảng cấp tỉnh. Đồng thời cũng nhằm thực hiện quy định lãnh đạo công an không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ.

Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá, nhìn chung, thời gian qua, những đồng chí lãnh đạo, chỉ huy công an được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm đều hoạt động tích cực, làm chuyển biến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, được đảng bộ, chính quyền và nhân dân đánh giá cao. Đơn cử như vào cuối tháng 11-2019, Đại tá Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh Ðắk Lắk được điều động về làm Giám đốc Công an tỉnh Ðồng Nai - “điểm nóng” của ngành Công an. Sau khi nhận công tác mới, Đại tá Vũ Hồng Văn đã chấn chỉnh lề lối, tác phong của cán bộ, chiến sĩ và luân chuyển hàng trăm nhân sự giữa các đơn vị. Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cũng trực tiếp chỉ huy các cuộc ra quân trấn áp tội phạm, tạo chuyển biến rõ nét tại các địa bàn phức tạp…

Bà Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho rằng, chủ trương luân chuyển và bố trí cán bộ chủ chốt, trong đó có giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không phải là người địa phương đã tạo “luồng gió mới” ở các địa phương. Điều này phần nào làm giảm thiểu tình trạng bè phái, “lợi ích nhóm” trong thực thi công vụ. Đồng thời, khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, tình trạng cục bộ địa phương, giúp đào tạo, rèn luyện, tạo điều kiện để nhiều cán bộ trưởng thành.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cũng cho rằng, các tân giám đốc công an từ nơi khác về thường có quyết tâm cao, chưa phải đối diện với những tác động từ địa phương nên thuận lợi hơn trong triển khai các chủ trương công tác. “Nhưng quan trọng phải giữ được sự quyết tâm, quyết liệt lâu dài. Thiếu bản lĩnh, không dám hy sinh lợi ích trực tiếp của mình thì quyết tâm ban đầu sẽ không thể duy trì như lúc mới vừa nhậm chức”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/971844/nang-cao-trach-nhiem-lanh-dao-tao-chuyen-bien-trong-giu-gin-an-ninh-trat-tu