Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sức khỏe con người được xã hội rất quan tâm. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm ATTP. Từ khi có Luật An toàn thực phẩm năm 2010, các ngành, địa phương đã nâng cao trách nhiệm, thực hiện quản lý nhà nước về ATTP theo chuỗi đối với từng ngành hàng, sản phẩm, phần nào đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm ATTP trong tình hình mới.
Hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATTP theo sự chỉ đạo của Trung ương và điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.
Công tác bảo đảm ATTP đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP của tỉnh; các ngành, các cấp đều nghiêm túc triển khai hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức khoa học về ATTP cho người dân được triển khai đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung. Đặc biệt, công tác kiểm tra liên ngành và chuyên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh luôn được duy trì, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các lỗi vi phạm.
Năm 2024, toàn tỉnh đã thanh, kiểm tra 5.660 lượt cơ sở, phát hiện 380 cơ sở có hành vi vi phạm, phạt tiền 367 cơ sở, với số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Qua đó góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.
Do đó, việc bảo đảm ATTP phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị tại địa phương và khách du lịch được triển khai có hiệu quả, không để xảy ra các sự cố về ATTP. Các bếp ăn tập thể trong doanh nghiệp, trường học được quản lý, giám sát chặt chẽ... hạn chế thấp nhất số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về ATTP, nhất là vào dịp lễ, Tết, các lễ hội mùa Xuân vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ quan, đơn vị quản lý, địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong việc quản lý, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm về ATTP.
Việc ban hành các văn bản hướng dẫn, các thông tư nhiều khi chồng chéo, chưa kịp thời. Nhiều vấn đề còn bất cập, như nhân lực làm công tác quản lý ATTP, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động kiểm tra ở các tuyến còn thiếu so với yêu cầu công tác quản lý.
Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định về chỉ tiêu an toàn đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm chưa đầy đủ. Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Tại tuyến huyện, xã chưa phân bổ ngân sách riêng cho công tác quản lý về ATTP trên địa bàn.
Cùng với đó, việc tuyên truyền mới tập trung phản ánh vi phạm mà chưa chú trọng nhiều đến việc biểu dương, khuyến khích những tập thể, cá nhân, doanh nghiệp làm tốt công tác bảo đảm ATTP. Chưa phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức, đoàn thể và người dân tham gia giám sát việc bảo đảm ATTP, nhất là tại cơ sở...
Để tiếp tục nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, đặc biệt là bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân 2025, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tập trung phổ biến, tuyên truyền kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân 2025 trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm...; các đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, cấp xã thực hiện kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quản lý.
Tổ chức các hoạt động truyền thông về bảo đảm ATTP cho nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo pháp luật; tổ chức quản lý ATTP theo tình hình thực tế của từng địa phương; công khai rộng rãi các trường hợp vi phạm quy định về ATTP; biểu dương các tổ chức, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng.
Các đoàn kiểm tra, khi phát hiện vi phạm, phải xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; tuyệt đối không để các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường.
Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về ATTP, kiến thức về ATTP; huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP trong dịp trước, trong và sau Tết, cũng như mùa lễ hội Xuân 2025.