Nâng cao trình độ cho người dân tại vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
Những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về thực phẩm an toàn, trên địa bàn tỉnh đã phát triển và không ngừng mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, trình độ của người dân tại các vùng sản xuất này còn hạn chế nên năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa đồng đều. Do đó, ngành nông nghiệp, các địa phương và các cơ sở sản xuất đã chú trọng tập huấn, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho người dân, hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
HTX rau an toàn Xuân Thọ (xã Yên Thọ, huyện Như Thanh) phát triển diện tích trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 12.560 ha rau, củ, quả an toàn; trong đó, hơn 4.500 ha được sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, còn có hàng trăm mô hình nuôi trồng thủy sản và 5 vùng chăn nuôi lợn an toàn nông hộ theo tiêu chuẩn VietGAHP, với sự tham gia của 1.925 hộ chăn nuôi thuộc 95 nhóm thực hành sản xuất chăn nuôi tốt (GAHP), 1.140 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP nông hộ... Qua đó, hình thành 1.012 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, 23 chuỗi trong lĩnh vực thủy sản, 4 chuỗi liên kết khép kín sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp và 79 dự án chăn nuôi phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, 100% các chuỗi liên kết được hình thành đã áp dụng các điều kiện sản xuất của tiêu chuẩn VietGAP nên đạt hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 130 - 150 triệu đồng/ha/năm.
Tại vùng sản xuất của HTX sản xuất rau an toàn Xuân Thọ, xã Yên Thọ (Như Thanh), những ngày cuối tháng 4, người dân đang tích cực chăm sóc, sản xuất rau màu. Những thửa ruộng xanh mướt như khẳng định cho thành công, hiệu quả của phương thức sản xuất được người dân áp dụng trên cánh đồng VietGAP. Ông Bùi Ngọc Thân, giám đốc HTX cho biết: Trước đây, trình độ sản xuất của người dân địa phương còn lạc hậu, chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, áp dụng phương pháp truyền thống nên năng suất, chất lượng vùng rau màu không cao. Do đó, từ năm 2018, HTX rau an toàn Xuân Thọ được thành lập, với 43 hộ tham gia sản xuất nhằm phát huy hiệu quả, giá trị của vùng sản xuất rau màu truyền thống tại địa phương. Ðể bảo đảm sản xuất an toàn, HTX đã chủ động và tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “bốn đúng” gồm: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Đồng thời, hướng dẫn người dân lựa chọn các loại thuốc có hiệu lực cao, thời gian cách ly ngắn và ít độc đối với sinh vật có ích, ít gây hại... Cùng với đó, HTX thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Như Thanh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và một số doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất tại địa phương để tổ chức tập huấn sử dụng vật tư nông nghiệp, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất... Nhờ vậy, các sản phẩm nông sản của HTX những năm qua luôn bảo đảm chất lượng. Hiện, sản lượng rau an toàn bình quân của HTX đạt khoảng 40 - 50 tấn/năm, lợi nhuận đạt gần 180 triệu đồng/ha/năm.
Thông qua việc xây dựng những vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, thị trấn Thiệu Hóa đã trở thành địa chỉ sản xuất rau an toàn của tỉnh. Cùng với sự hỗ trợ của HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, người dân trên địa bàn thị trấn đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật để xây dựng mô hình trồng rau an toàn. Anh Nguyễn Văn Dương, giám đốc HTX, cho biết: “Khi tham gia mô hình, người dân được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP; không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ đó, người dân cũng dần thay đổi tư duy sản xuất, có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch sản xuất và đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật trồng trọt được hướng dẫn”. Hiện, thị trấn Thiệu Hóa đã xây dựng được 25 ha sản xuất rau, củ, quả an toàn; trong đó, có 16,7 ha đã được công nhận tiêu chuẩn VietGAP. Các sản phẩm chủ yếu là dưa Kim Hoàng hậu, dưa baby, rau, đậu các loại. Theo tính toán của các hộ dân, nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất rau, quả an toàn doanh thu đạt 400 - 500 triệu đồng/ha mỗi năm.
Thực tế cho thấy, tại những vùng chuyên canh sản xuất an toàn, nhất là những vùng áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hằng năm, các đơn vị, địa phương và người dân luôn chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho người dân. Đồng thời, chú trọng tổ chức sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết hiệu quả để từng bước nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, hướng tới bảo đảm tiêu chuẩn của chế biến và xuất khẩu.