Nâng cao vai trò của Đảng bộ cơ sở trong phát triển kinh tế
PTĐT - Tổ chức cơ sở Đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của tổ chức cơ sở Đảng, Đảng ta đã có Quy định số 94-QĐ/TW, 95-QĐ/TW và mới đây nhất là Quy định số 127-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng...
PTĐT - Tổ chức cơ sở Đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của tổ chức cơ sở Đảng, Đảng ta đã có Quy định số 94-QĐ/TW, 95-QĐ/TW và mới đây nhất là Quy định số 127-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn. Thực hiện các quy định của Trung ương, thời gian qua, các tổ chức cơ sở Đảng ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xác định phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Toàn tỉnh hiện có 783 tổ chức cơ sở Đảng, 5.482 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở với hơn 104.000 đảng viên. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các Đảng bộ cơ sở thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Tỉnh ủy Phú Thọ đã chỉ đạo các Đảng bộ cơ sở nâng cao vai trò lãnh đạo trong phát triển kinh tế gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), thực hiện tốt 4 khâu đột phá về huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt, phát triển nguồn nhân lực; phát triển du lịch và cải cách hành chính.
Là huyện có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện Đoan Hùng đã đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả 2 khâu đột phá là: Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt; phát triển kinh tế đồi rừng, nâng cao năng suất, chất lượng quả bưởi Đoan Hùng. Huyện ủy đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề cùng các văn bản nhằm chỉ đạo thực hiện trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh từng vùng. Để thống nhất trong tư duy và hành động, Đảng bộ huyện Đoan Hùng đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng ở các xã, thị trấn, nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Huyện ủy đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức cơ sở Đảng trong thực hiện nhiệm vụ. Bằng Luân một trong những địa phương đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống với những chuyển biến tích cực. Thời gian qua, Đảng bộ xã đã xây dựng 2 Nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện chương trình phát triển cây bưởi đặc sản Đoan Hùng và xây dựng NTM, phấn đấu cán đích vào cuối năm 2019, đồng thời nâng tổng diện tích cây bưởi đặc sản lên 175ha. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngô Quốc Phòng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã cho biết: “Để hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết đề ra, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và huy động sự vào cuộc của nhân dân. Đến đầu năm 2019, xã đã đạt được 17/19 tiêu chí, đang hoàn thiện tiêu chí còn lại để cán đích NTM vào cuối năm nay. Riêng cây bưởi, xã đã vượt 10ha so với mục tiêu Nghị quyết đề ra, tổng thu nhập từ cây bưởi đạt 30 tỷ đồng/năm”. Nhờ vận dụng đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Bằng Luân đang trên đà khởi sắc, cuộc sống người dân ngày càng khấm khá, thu nhập bình quân đã đạt 35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,2% xuống còn 4,54%; tỷ lệ giao thông cứng hóa đạt trên 90%; trường học, trạm y tế đều đạt chuẩn Quốc gia…Nếu như Đảng bộ huyện Đoan Hùng tập trung lãnh chỉ đạo các đảng bộ cơ sở khai thác thế mạnh phát triển cây bưởi đặc sản thì Đảng bộ huyện Cẩm Khê lấy thế mạnh nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn trong chỉ đạo thực hiện nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân. Huyện ủy đã ban hành các Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế, xây dựng NTM. Bám sát sự chỉ đạo của Huyện ủy, Đảng ủy xã Văn Khúc đã biến những cánh đồng chiêm trũng 1 vụ lúa bấp bênh thành vùng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao, tập trung nuôi các giống cá truyền thống, cá đặc sản, tôm càng xanh và ốc nhồi thương phẩm… Được biết, Văn Khúc từng là xã 135, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tỷ lệ hộ nghèo cao... do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2020, Đảng bộ xã đã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ, chú trọng đầu tư phát triển thủy sản với các giống mới, chất lượng cao, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ ra nhiều tỉnh lân cận.Bám sát Nghị quyết của huyện, hàng năm xã đều xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các chi bộ, đảng viên trong xã nêu cao tinh thần, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi phát triển kinh tế, nhờ đó đến năm 2017, Văn Khúc đã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cẩm Khê khẳng định: “Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với tinh thần quyết tâm cao, chúng tôi luôn phấn đấu làm sao để thực hiện tốt các khâu đột phá mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII đã đề ra. Các năm qua huyện đều nỗ lực để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 13%”.
Thực tế cho thấy, việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đã trở thành yêu cầu cấp thiết hiện nay, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa, hội nhập sâu rộng, mỗi địa phương đều cần sự chủ động, tích cực vận dụng nghị quyết để khai thác các tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, hướng tới việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Với một huyện nghèo như Tân Sơn việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống giống như “ngọn đèn” dẫn lối để đồng bào các dân tộc bứt phá vươn lên. Huyện ủy Tân Sơn đã tập trung chỉ đạo phát triển cây chè, cây nguyên liệu giấy kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các sản phẩm đặc thù như gà nhiều cựa, dê núi, ong lấy mật... mang lại giá trị kinh tế cao. Kiệt Sơn là xã miền núi, có trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí của người dân không đồng đều nên gặp khó khăn trong phát triển kinh tế. Đồng chí Nguyễn Văn Thuất ở chi bộ 10 trăn trở: “Với những khó khăn của địa phương việc gần dân, bám dân, “cầm tay chỉ việc” là điều cần thiết. Chi bộ đã phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên theo dõi, bám nắm thực tế đến từng gia đình để có những cách làm cụ thể, phát huy vai trò gương mẫu của người “đầu tàu”, “nói đi đôi với làm”, tạo sự đoàn kết cùng nhau vượt khó vươn lên; động viên các thành viên trong khu dân cư tích cực tham gia các lớp đào tạo, tập huấn do các cơ quan chức năng tổ chức để nâng cao tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu lao động. Trong năm qua, chi bộ đã vận động thành công nhiều gia đình hiến đất làm đường giao thông nông thôn, ngày công lao động để tu sửa kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, nhiều gia đình đã có kinh tế ổn định và phát triển”. Với những việc làm cụ thể của từng chi bộ, từng gia đình đã góp phần không nhỏ tới sự thay đổi diện mạo, chất lượng cuộc sống của xã nghèo vùng cao. Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp của Kiệt Sơn đã vượt kế hoạch đề ra; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 5,2 tỷ đồng và trên 1.100 lao động có việc làm thường xuyên. Không chỉ Kiệt Sơn, nhiều địa phương khác ở huyện Tân Sơn cũng đang tích cực bám sát Nghị quyết của Đảng để cụ thể hóa bằng hành động, góp phần nâng giá trị tăng thêm bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 21,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 62% từ khi thành lập huyện xuống còn dưới 20% năm 2018. Với sự vào cuộc tích cực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, sau hơn 10 năm thành lập, huyện Tân Sơn đã ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước vào năm 2017. Từ những kết quả trên đã minh chứng cho sự thành công của các Đảng bộ cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là trong phát triển kinh tế cũng như đưa chủ trương, Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, phát huy sức mạnh tổng hợp, khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Các địa phương trên toàn tỉnh đã có những hướng đi mới, cách làm hay, phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều chính sách vay vốn, hỗ trợ phát triển kinh tế, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, trồng và bảo vệ rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản đã được thực hiện có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1 huyện và 91 xã, 151 khu dân cư được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 14,4 tiêu chí/xã, phấn đấu trở thành một trong những tỉnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ,