Nâng cao vai trò của phụ nữ trong quản lý rác thải nhựa
Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) đã và đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải đối mặt. Tại Việt Nam hiện nay, 90% người thu gom phế liệu và RTN là phụ nữ, thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe. Do đó, để tăng cường quản lý, giảm thiểu RTN thì việc hỗ trợ và nâng cao vai trò của phụ nữ trong công tác này là hết sức cần thiết.
Nhiều mô hình sáng tạo giảm thiểu rác thải nhựa
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn RTN thải ra môi trường. Việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý RTN còn hạn chế, có đến 90% RTN được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% được tái chế. Trước thực trạng đó, những năm qua, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp, chương trình nhằm giảm thiểu RTN với sự tham gia rất tích cực của phụ nữ.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, trong công việc, cuộc sống hằng ngày, với bản chất sinh học nhạy cảm hơn nam giới, phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều của môi trường, đặc biệt khi môi trường bị ô nhiễm, suy thoái. Mặt khác, phụ nữ lại là nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Họ là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hằng ngày liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh và chăm sóc gia đình. Nhìn từ góc độ người sản xuất, người tiêu dùng, hay người quản lý, phụ nữ cũng đều đảm nhận vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định bảo vệ môi trường, chống RTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thông qua: Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Phong trào “Chống RTN” với cam kết quyết tâm thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”. Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo giảm thiểu RTN đã được các cấp hội tích cực triển khai, như: Thu gom, phân loại, xử lý rác thải; tái chế RTN bằng cách sử dụng chai nhựa, túi ni lông để xây dựng công trình công cộng như thư viện, bàn ghế, bồn hoa, tường rào, cổng nhà văn hóa... Bên cạnh đó, Hội cũng vận động hội viên phụ nữ là chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, buôn bán giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông, nhựa dùng một lần, tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Nhiều địa phương cũng chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế để triển khai nhiều mô hình sáng tạo nhằm giảm thiểu RTN. Điển hình là Dự án nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 địa phương: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, Bình Dương do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Chính phủ Na Uy tài trợ. Dự án tập trung vào đối tượng phụ nữ để xây dựng và triển khai mô hình cộng đồng phân loại, thu gom, tái chế RTN. Tại Quảng Ninh, dự án đã thành lập nhiều Tổ ve chai cộng đồng, như Tổ ve chai tại tổ 5, khu 6, phường Hồng Gai, TP Hạ Long do bà Nguyễn Thị Thể làm chủ, gồm 15 người, mỗi ngày thu gom, phân loại từ 1 đến 2 tấn rác thải. Tại đây, rác thải được gom về sẽ tiến hành phân loại, sau đó chở đi bán buôn cho các cơ sở tái chế. Đánh giá về mô hình Tổ ve chai cộng đồng, ông Nguyễn Văn Đường, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, mô hình này vừa tạo được sinh kế cho người dân, vừa có tác dụng làm sạch môi trường, giảm được chi phí cho Nhà nước trong công tác vệ sinh môi trường.
Cần có chính sách hỗ trợ người thu gom rác thải
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, phụ nữ giữ vai trò chủ đạo trong việc thu gom, phân loại và tái chế RTN tại các hộ gia đình và cộng đồng. Do vậy, chính quyền và cộng đồng cần ghi nhận sự đóng góp này của phụ nữ trong quá trình xây dựng chính sách. Các nhà hoạch định chính sách cần có thêm các nghiên cứu, dữ liệu và bằng chứng về những vấn đề liên quan đến nhựa, giới và hòa nhập xã hội, nhằm tránh mọi tác động tiêu cực đối với phụ nữ, lao động di cư và các nhóm dễ bị tổn thương khác trong quá trình thực thi chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Các chuyên gia đề xuất, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ những người làm nghề thu gom rác thải, mà 90% người làm công việc này hiện là phụ nữ, thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, độc hại. Bên cạnh đó, cần tích cực chuyển giao công nghệ tiên tiến thân thiện môi trường, triển khai các mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn lĩnh vực nhựa, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế. Các tổ chức của địa phương như hội nông dân, hội phụ nữ cũng cần mở các lớp tập huấn cho hội viên trong việc thu gom, phân loại và tái chế RTN.
Ngài Shawn Steil, Đại sứ Canada tại Việt Nam cho rằng, các quốc gia cần áp dụng cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn để khắc phục các vấn đề trong sản xuất, sử dụng và xử lý nhựa; đồng thời hiểu rõ những thách thức ngày càng lớn đối với sức khỏe con người, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội. Ở Việt Nam, phụ nữ đóng vai trò trung tâm trong kinh doanh, quản lý nguồn lực, xử lý chất thải và công việc chăm sóc gia đình. Các chương trình, dự án tài trợ của Canada cho Việt Nam sẽ tập trung hỗ trợ quyền và sinh kế của phụ nữ, nhằm đóng góp cho các nỗ lực chuyển dịch sang một nền kinh tế nhựa bền vững hơn và mang tính tuần hoàn hơn.
Bài và ảnh: LA DUY
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.