Nâng cao vai trò của Viện Kiểm sát trong giải quyết các vấn đề liên quan luật Trọng tài Thương mại
Luật sư Nguyễn Văn Hậu kiến nghị cần phát huy vai trò của Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động trọng tài thương mại.
Tại Hội thảo Góp ý dự thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại (TTTM) ngày 29/11, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại Tp.HCM, cũng đã có bài tham luận góp ý các nội dung Dự thảo báo cáo Nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại.
Qua nghiên cứu, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng nội dung dự thảo phản ánh tương đối đầy đủ những kết quả cũng như những hạn chế, bất cập của Luật Trọng tài thương mại (TTTM) trong quá trình áp dụng vào thực tế.
Đối với 15 vấn đề mà dự thảo Báo cáo đã nêu, luật sư Nguyễn Văn Hậu đa số đồng tình. Luật sư cũng đề nghị bổ sung một nội dung như: Quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên; việc hủy phán quyết của trọng tài; Hình thức tổ chức của Trọng tài ở Việt Nam: Điều kiện thành lập Trung tâm trọng tài; Trách nhiệm bồi thường của trọng tài viên trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Ngoài các vấn đề trên, luật sư Hậu cũng kiến nghị thêm 5 vấn đề mà dự thảo chưa nêu gồm: Vấn đề kiểm sát việc hủy phán quyết trọng tài; Vấn đề thủ tục giải quyết tranh chấp; Vấn đề thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài; Về thời điểm cuối cùng các bên tranh chấp được nộp hồ sơ, tài liệu; Vấn đề thi hành phán quyết trọng tài.
Đối với vấn đề kiểm sát việc hủy phán quyết của trọng tài, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng pháp luật hiện nay vẫn chưa có quy định để giải quyết đối với trường hợp ý kiến từ phía Viện kiểm sát tại phiên họp xem xét hủy phán quyết của trọng tài thương mại do Tòa án tổ chức.
Thiếu sót này sẽ dẫn đến việc chưa phát huy được vai trò của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án khi giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động trọng tài thương mại.
Do đó, cần nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp được quyền kiến nghị lên Viện trưởng Viện kiểm sát cấp cao xem xét kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với quyết định hủy phán quyết của trọng tài nếu có căn cứ chứng minh rằng việc hủy phán quyết trọng tài không đúng với quy định của pháp luật.
Đối với thủ tục giải quyết tranh chấp, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng thực tế giải quyết tranh chấp còn có đối tượng người thứ ba muốn tham gia để bảo đảm quyền lợi của mình cho dù họ không phải là nguyên đơn hay bị đơn.
Nhằm đáp ứng thực tế này, Luật TTTM cần bổ sung các quy định về người thứ ba tham gia tố tụng tương tự như Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 khi quy định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Về thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, luật TTTM chưa có quy định cụ thể để giải quyết trường hợp một trong các bên tranh chấp đưa ra được căn cứ chứng minh đã hết thời hiệu khởi kiện và yêu cầu Hội đồng trọng tài hoặc Trọng tài viên duy nhất xem xét thời hiệu khởi kiện.
Trường hợp thực hiện tố tụng theo thủ tục tố tụng thì việc hết thời hiệu là một căn cứ để Tòa án đưa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Tuy nhiên, điều 59 luật TTTM lại không quy định việc hết thời hiệu khởi kiện là một căn cứ để Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp. Luật sư Hậu cho rằng đây là một thiếu sót cần được bổ sung để hoàn thiện.
Về thời điểm cuối cùng các bên tranh chấp được nộp hồ sơ, tài liệu, hiện nay Luật TTTM chưa có quy định về thời điểm này. Trong khi đó, thực tiễn cho thấy có nhiều phiên họp giải quyết tranh chấp đã bị hoãn vì một bên nộp tài liệu, chứng cứ mang tính bước ngoặt, thay đổi toàn bộ nội dung giải quyết tranh chấp ngay tại phiên họp.
Vì vậy, cần bổ sung Luật TTTM theo hướng xác định rõ thời điểm các bên phải cung cấp tài liệu, chứng cứ là trước thời điểm mở phiên họp giải quyết tranh chấp để đảm bảo tính công bằng cho các bên tham gia tố tụng cũng như tạo điều kiện cho Hội đồng trọng tài thực hiện hoạt động tài phán một cách hiệu quả.
Cuối cùng, một trong những hạn chế trong công tác thi hành các phán quyết trọng tài đó là việc khó xác nhận tình trạng pháp lý của phán quyết.
Hiện nay, việc xác định trình trạng pháp lý của phán quyết trọng tài là trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự hay đương sự còn chưa rõ dẫn tới khó khăn trong công tác thụ lý thi hành án. Do đó, cần hoàn thiện quy định cụ thể về trách nhiệm xác định tình trạng pháp lý của phán quyết trọng tài.