Nâng cao vai trò định hướng nghề nghiệp

Việc làm và thị trường lao động trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang có những biến đổi với nhiều thách thức. Tuy nhiên, hiệu quả của định hướng nghề nghiệp cho thanh niên vẫn còn nhiều bất cập, dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

 Tỷ lệ thất nghiệp của lao động đã qua đào tạo tăng cao

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động đã qua đào tạo tăng cao

Ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho biết, định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên luôn là một vấn đề quan trọng và cấp thiết, được Đảng và nhà nước quan tâm. Hàng loạt các bộ luật như: Luật Thanh niên, Luật Việc làm... đã và đang được Quốc hội xem xét, sửa đổi nhằm tăng cường chất lượng định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, thanh niên; hỗ trợ đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho hàng triệu thanh niên mỗi năm. Tuy nhiên, với sự phát triển của cuộc CMCN 4.0, những thay đổi này vẫn còn chậm, chưa thực sự hiệu quả và bắt kịp với xu hướng thời đại.

Hiện, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên chiếm 6,43%, tuy thấp hơn so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước nhưng vẫn cần giảm nhiều hơn nữa. Đặc biệt, tình trạng sinh viên ra trường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm hoặc làm việc trái ngành, trái nghề khá phổ biến. Tỷ lệ thất nghiệp của những người đã qua đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt của những người có trình độ đại học, thường cao gấp đôi chỉ số thất nghiệp chung của toàn bộ lực lượng lao động... Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng trên là do sự khập khiễng trong quan hệ cung - cầu, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, định hướng nghề nghiệp không bám sát thực tế thị trường việc làm.

Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Hà Nội (HSO) - cho hay, tỷ lệ thanh niên có đào tạo thất nghiệp cao là do công tác hướng nghiệp chưa được giới trẻ cũng như phụ huynh quan tâm; việc chọn ngành nghề hầu hết phụ thuộc vào ý kiến của phụ huynh hay độ "hot" của các ngành trong thời điểm hiện tại. Gần đây, việc giáo dục hướng nghiệp sau trung học đã được quan tâm, tuy nhiên, việc cung cấp thông tin về nghề nghiệp cũng như định hướng tương lai cho học sinh còn nhiều bất cập…

Trước tình trạng trên, bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - khuyến cáo, tại Việt Nam, tỷ lệ công việc có nguy cơ bị thay thế bằng tự động hóa sẽ tăng mạnh, khoảng 70%; ngoài ra, thị trường sẽ xuất hiện các hình thức công việc mới, thích ứng với trình độ công nghệ - khoa học kỹ thuật và đòi hỏi người lao động cần có trình độ để đáp ứng. Do đó, cần đo lường được chất lượng việc làm, xác định rõ nhu cầu của thị trường lao động mới, từ đó định hướng học sinh, sinh viên bài bản, đúng hướng. Đồng thời, cần tăng cường tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, như: Chủ động đổi mới, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc phát huy hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức quản trị, đưa các ứng dụng chuyên ngành vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với người lao động, cần tăng cường nhận thức về phát triển kỹ năng; gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và sự tham gia của DN; phối hợp đồng bộ các chính sách như phát triển nguồn nhân lực, việc làm, giáo dục đào tạo và các chính sách kinh tế.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), quá trình chuyển tiếp của thanh niên từ học tập sang tham gia thị trường lao động không chỉ dừng lại ở việc đo lường thời gian từ khi rời ghế nhà trường cho đến khi đi làm việc đầu tiên mà còn bao gồm các yếu tố định tính như chất lượng công việc, mức độ ổn định.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nang-cao-vai-tro-dinh-huong-nghe-nghiep-129642.html