Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm

Ban Quản lý ATTP thành phố là mô hình thí điểm đầu tiên trên cả nước nhằm nâng cao vai trò, vị thế của công tác bảo đảm ATTP và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này trên cơ sở sáp nhập các đơn vị chức năng của ba sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và Y tế. Một trong những kết quả nổi bật được Ban quản lý ATTP thành phố đúc kết đó là việc triển khai đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” được thực hiện trong hai năm qua.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh đã liên kết, phối hợp các tỉnh, thành phố trong cả nước quản lý và kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn; thẩm định, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận; thực hiện công tác hậu kiểm, thanh tra, giám sát chất lượng… Từ đầu năm 2017 đến nay, Ban Quản lý đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã thẩm định, kiểm tra và cấp 432 giấy chứng nhận cho 293 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh tham gia chuỗi với sản lượng gần 202 nghìn tấn rau, củ, quả, thịt, thủy sản mỗi năm; hơn 534 triệu quả trứng gà mỗi năm; 12 triệu lít nước mắm mỗi năm.

Trưởng Ban quản lý ATTP thành phố Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận, kết quả thẩm định, kiểm tra sản phẩm để đưa các cơ sở vào chuỗi đã tăng trung bình bốn lần/năm so với thời gian trước cho thấy công tác kiểm tra, thẩm định thực phẩm của cơ quan quản lý đã được đẩy mạnh, vừa tăng hiệu lực quản lý vừa bảo đảm đưa thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng thành phố. Riêng trong chín tháng năm 2019, Ban Quản lý ATTP thành phố đã thẩm định và cấp 46 giấy chứng nhận “chuỗi thực phẩm an toàn” cho 40 trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh với tổng sản lượng tham gia chuỗi là 17 nghìn tấn rau, củ, quả, thịt, thủy sản.

Mô hình nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm (thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm) đã được Ban Quản lý ATTP thành phố và các sở, ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện và mở rộng đến các cơ sở sản xuất, các cơ sở tiêu thụ, cả hệ thống siêu thị và chợ truyền thống. Đến nay, thành phố đã truy xuất nguồn gốc thịt heo thông qua vòng nhận diện là 302 nghìn tấn/năm với 90% sản lượng thịt heo được tiêu thụ tại thành phố và gần 54 nghìn tấn thịt gà/năm được thực hiện truy xuất nguồn gốc thông qua tem với 60% sản lượng thịt gà tiêu thụ tại thành phố. Chín tháng năm 2019, Ban Quản lý ATTP thành phố đã tiếp nhận 50 hồ sơ và giải quyết cấp mã code cho 44 cơ sở đăng ký tham gia Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm trên địa bàn thành phố.

Ban Quản lý ATTP thành phố cũng đã hướng dẫn các chủ đầu tư, hợp tác xã, ban quản lý chợ truyền thống sắp xếp và quy hoạch chợ truyền thống bảo đảm các tiêu chí về chợ kinh doanh thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11856:2017 về cơ sở vật chất và kỹ thuật của chợ. Trong đó, yêu cầu bảo đảm 100% hàng hóa thực phẩm kinh doanh tại chợ phải được truy xuất nguồn gốc; lựa chọn, tổ chức triển khai xây dựng ít nhất một mô hình chợ bảo đảm ATTP trong năm 2019, làm cơ sở để từng bước hoàn thiện và nhân rộng mô hình này.

Từ khi thành lập Ban Quản lý ATTP đến nay, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được đẩy mạnh do hệ thống thanh tra được tổ chức thành mạng lưới đội quản lý ATTP liên quận - huyện, các chợ đầu mối cùng đội thanh tra trung tâm. Từ đầu năm 2017 đến tháng 6-2019, các đoàn thanh tra, kiểm tra ở cả ba cấp của thành phố (Ban quản lý, các sở - ngành, quận/huyện, phường/xã) đã kiểm tra hơn 11 nghìn cơ sở, trong đó xử phạt 9.100 cơ sở với tổng tiền phạt gần 62 tỷ đồng. So với thời điểm năm 2015 - 2016, số lượng cơ sở bị thanh tra xử phạt ở cấp thành phố đã tăng hơn 100%...

Theo Ban Quản lý ATTP thành phố Hồ Chí Minh, quá trình thực thi nhiệm vụ cũng đã gặp một số vướng mắc, trong đó có sự lúng túng do chưa được sự hướng dẫn cụ thể của bộ, ngành liên quan. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra về ATTP đã phát sinh một số bất cập, trong đó điển hình là việc xử lý vi phạm đối với các mặt hàng nông sản tươi sống do đòi hỏi kết quả kiểm nghiệm, chi phí lưu kho, chi phí xử lý tiêu hủy khi sản phẩm không đạt mà không xác định được chủ hàng hoặc chủ hàng bỏ trốn. Ngoài ra, vấn đề kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, thuốc thú y vẫn rất phức tạp và bất cập, mức phạt chưa đủ sức răn đe…

Những vướng mắc, bất cập cần được thành phố và các bộ, ngành chức năng sớm quan tâm giải quyết để bảo đảm tính chặt chẽ và hiệu quả của Ban Quản lý ATTP thành phố trong lĩnh vực hết sức thiết yếu, liên quan sức khỏe của người dân…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/41852902-nang-cao-vai-tro-quan-ly-nha-nuoc-ve-ve-sinh-an-toan-thuc-pham.html