Nâng cao vai trò tự quản ở cộng đồng dân cư

ĐTO - Xuất phát từ thực tiễn năm 1993, toàn tỉnh triển khai thực hiện mô hình “Tổ An ninh nhân dân” nhằm góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự địa bàn trước thực trạng thanh thiếu niên càn quấy gây lo lắng bức xúc trong nhân dân. Đến năm 2006, huyện Cao Lãnh thí điểm thành lập mô hình “Tổ Dân phòng - Khuyến học”, nhiệm vụ chính của tổ là bảo đảm an ninh trật tự và khuyến khích hỗ trợ học tập. “Tổ Dân phòng - Khuyến học” là tổ chức tự nguyện, tự quản của cộng đồng dân cư, quy mô từ 15 - 30 hộ, mục đích hoạt động của tổ là “Tự giác, tự lực, hợp tác, chia sẻ nhau trong cuộc sống và sản xuất hàng ngày trước khi chính quyền và xã hội giúp sức”, là nơi gần dân, sát dân, kịp thời phản ánh tình hình trong khu dân cư đến với các cấp ủy, chính quyền địa phương, bảo đảm yêu cầu quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khảo sát thực tế tại Thuận Tân Hội quán (xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh)

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khảo sát thực tế tại Thuận Tân Hội quán (xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh)

Việc tổ chức và duy trì hoạt động của “Tổ Dân phòng - Khuyến học” là nhu cầu thực tiễn cơ sở đặt ra, với mục tiêu thực hiện phương châm “Vì lợi ích của nhân dân, thực hiện bằng sức dân, do nhân dân tự quản”. Mô hình này được nhân rộng ra toàn tỉnh vào năm 2009. Tuy nhiên, do phạm vi hoạt động của Tổ chỉ tập trung vào lĩnh vực dân phòng, khuyến học, nên giới hạn việc tham gia của nhiều tổ chức, thành phần và giới, làm cho việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân còn những hạn chế cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế. Chính vì vậy, cuối năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến hành sơ kết để đánh giá lại thực chất các mô hình tự chủ, tự quản trong cộng đồng, đồng thời đề ra định hướng hoạt động và phát triển mang tính toàn diện, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương nhằm phát huy cao nhất vai trò chủ thể của người dân.

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp ban hành văn bản về việc lãnh đạo thí điểm mô hình “Tổ Nhân dân tự quản cộng đồng” ở 36 tổ trên địa bàn tỉnh với nội dung hoạt động và thành phần tham gia rộng hơn, thiết thực hơn. Ngoài ra, tuyến biên giới gồm 8 xã tiếp giáp tỉnh Prây-Veng (Vương quốc Campuchia) duy trì thường xuyên hoạt động của 21 Tổ tự quản đường biên, mốc giới quốc gia từ năm 2012 đến nay, góp phần bảo vệ an ninh trật tự biên giới và làm nòng cốt tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, tham gia xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị. Với những nỗ lực thay đổi tư duy, phương pháp chỉ đạo điều hành của hệ thống chính trị đã củng cố niềm tin, khơi dậy được sức dân, tính tự giác của người dân trong việc hưởng ứng thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Tôn Hoàng (bên trái) khảo sát thực tế về hoạt động của “Tổ Nhân dân tự quản” tại xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười. Ảnh: N.Nguyễn

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Tôn Hoàng (bên trái) khảo sát thực tế về hoạt động của “Tổ Nhân dân tự quản” tại xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười. Ảnh: N.Nguyễn

Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất ban hành thông báo về việc lãnh đạo nhân rộng mô hình “Tổ Nhân dân tự quản” trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lãnh đạo Ban Thường trực xây dựng kế hoạch, hướng dẫn việc tổ chức và quy trình triển khai thực hiện nhân rộng mô hình này. Kể từ thời điểm này, tất cả các tổ chức có tính tương đồng đều hợp nhất vào “Tổ Nhân dân tự quản”. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 12.684 “Tổ Nhân dân tự quản” với 427.601 hộ thành viên. Trong đó, có 9.229 tổ hoạt động tốt (chiếm 72,76%).

Cùng với hoạt động của “Tổ Nhân dân tự quản” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, còn có hoạt động của mô hình Hội quán, Hội quán ra đời được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem là mô hình xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nhằm phát huy tính tự quản của nhân dân, nhưng Hội quán khác với “Tổ Nhân dân tự quản” ở một số điểm như: nội dung hoạt động định hướng nhiều hơn và đa chức năng về kinh tế - chính trị - xã hội; Hội quán còn là đa thành phần gồm nông dân - doanh nghiệp - cấp ủy - chính quyền; Hội quán hướng đến giải quyết hài hòa mối quan hệ nhà nước - thị trường - xã hội theo phương châm quản trị địa phương “Cùng xây - cùng quản - cùng thụ hưởng”.

Từ thực tiễn cho thấy, “Tổ Nhân dân tự quản” là hình thức phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo ra môi trường thuận lợi để người dân phát huy quyền làm chủ và trách nhiệm làm chủ của mình ngày càng cụ thể, sâu sát hơn, không phải tạo thêm mô hình tổ chức mới, pháp nhân mới. Ngân sách các cấp chỉ hỗ trợ ban đầu khi mới thành lập, khi đã ổn định thì mọi hoạt động giao cho cộng đồng nhân dân tự chủ và trong thực tế thời gian qua vấn đề này đã được thực hiện tốt.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội thảo thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố - thực trạng và giải pháp, tại tỉnh Đồng Tháp

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội thảo thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố - thực trạng và giải pháp, tại tỉnh Đồng Tháp

Tổ chức và hoạt động của “Tổ Nhân dân tự quản” đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của cấp ủy các cấp. Mặt trận Tổ quốc, Công an, Hội Khuyến học thực hiện nhiệm vụ do cấp ủy phân công, phối hợp với các ngành có liên quan trong việc hướng dẫn quy trình, thủ tục, điều kiện thành lập và theo dõi, hỗ trợ hoạt động; định kỳ 6 tháng, cuối năm báo cáo đánh giá và đề xuất cấp ủy chỉ đạo, lãnh đạo cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trong quá trình hoạt động không hành chính hóa các hoạt động của “Tổ Nhân dân tự quản”, có linh hoạt từ định hướng nội dung, phương pháp theo dõi, duy trì các hoạt động của tổ đến chế độ gặp gỡ, tiếp xúc giữa cấp ủy, các ngành với Ban quản lý tổ, giữa Ban quản lý tổ với nhân dân theo hướng đơn giản, thiết thực, hiệu quả. Điều đáng ghi nhận trong triển khai thực hiện định hướng hoạt động của “Tổ Nhân dân tự quản” là nhất quán quan điểm “Việc gì của dân và dân làm được hãy trao quyền để dân quyết định, dân thực hiện” và phương châm “Kiên trì, sáng tạo, tập trung dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy”.

Hiện nay, Đồng Tháp có hơn 80 Hội quán trên các lĩnh vực và xu hướng sẽ còn tiếp tục phát triển rộng hơn trong thời gian tới. Mô hình này đang được Học viện Chính trị Quốc gia và Hội đồng lý luận Trung ương nghiên cứu đề tài khoa học đánh giá toàn diện tính hiệu quả và thực tiễn nhằm hoàn thiện lý luận đa dạng hóa loại hình phát huy dân chủ, tập hợp nhân dân để phát triển kinh tế tập thể.

Dũng Chinh

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/nang-cao-vai-tro-tu-quan-o-cong-dong-dan-cu-89050.aspx