Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái

Chúng ta hãy dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em gái. Ảnh: KIM CHI

Với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, nhân Ngày Quốc tế trẻ em gái năm 2021 (11/10), Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tích cực truyền thông, thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề là gái.

Ngay từ đầu tháng 10/2021, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã có hướng dẫn về phổ biến, tuyên truyền các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhằm nêu cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện nay như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10. Các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS). Tăng cường phối hợp với các ban, ngành và đoàn thể trong tuyên truyền nâng cao nhận thức của lãnh đạo và truyền thông lồng ghép với các nội dung chuyên đề tại cộng đồng về mất cân bằng GTKS.

Bảo vệ chăm sóc trẻ em gái

Chị Lê Trần Nữ Diệu Hiền, cán bộ Phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa), cho biết: Trong công tác phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền về các chủ trương chính sách dân số, chúng tôi luôn cố gắng lồng ghép và đề cao vai trò của phụ nữ, trẻ em gái trong cuộc sống, nhất là những vấn đề mà phụ nữ phải gánh vác trách nhiệm trong gia đình để mọi người cùng hiểu và chia sẻ, không còn lựa chọn giới tính thai nhi hay nhất định phải có con trai để nối dõi tông đường…

Còn chị Đỗ Như Lan ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: “Tôi đã sinh 2 con gái và chưa bao giờ có ý định sinh thêm để kiếm con trai. Hàng ngày, các cháu giúp đỡ tôi việc nhà và luôn biết vâng lời cha mẹ. Tôi nghĩ, con nào cũng là con, miễn sao con phát triển mạnh khỏe, học giỏi, ngoan hiền là được rồi”.

Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, hiện nay, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em mà đặc biệt là trẻ em gái còn xảy ra khá nhiều. “Bởi vậy, trong các đợt truyền thông về vấn đề trẻ em, chúng tôi luôn cố gắng tuyên truyền để phụ huynh và những người chăm sóc trẻ hiểu rõ tâm lý, hoàn cảnh của trẻ, đặc biệt là trẻ em gái. Qua đó, các bậc phụ huynh quan tâm, chia sẻ gánh nặng công việc với phụ nữ trong gia đình, xã hội và bảo vệ trẻ em gái tốt hơn”, bà Thy nói.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Thông điệp Ngày Quốc tế trẻ em gái muốn mang lại là tạo cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới, bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn.

Đưa tỉ số GTKS về mức cân bằng tự nhiên

Xác định kiểm soát tình trạng mất cân bằng GTKS là một trong những yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định về cơ cấu dân số, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong thời gian qua, tỉnh đã huy động toàn hệ thống chính trị và xã hội tham gia vào các hoạt động truyền thông về công tác dân số nói chung và các nội dung về kiểm soát mất cân bằng GTKS nói riêng. Qua đó lồng ghép đưa chỉ tiêu kiểm soát mất cân bằng GTKS vào kế hoạch công tác năm của địa phương, đơn vị.

Ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông (Chi cục DS-KHHGĐ), cho biết: Được sự chỉ đạo của Tổng cục DS-KHHGĐ, Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ đã triển khai tất cả hoạt động nhằm can thiệp và giảm tình trạng gia tăng tỉ số GTKS không vượt quá 110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Trong giai đoạn 2016-2020, Phú Yên đã đạt được mục tiêu của kế hoạch đề ra là giữ tỉ số GTKS của tỉnh. Tuy tỉ số GTKS của tỉnh hàng năm có giảm nhẹ nhưng vẫn còn ở mức cao. Vấn đề này đặt ra nhiều thách thức cho công tác dân số trong thời gian đến trong việc đưa tỉ số GTKS về mức cân bằng tự nhiên (103-105 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái).

Các địa phương cũng đã truyền thông bằng tờ rơi, sách mỏng, pano… để chuyển tải về cộng đồng thông qua đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số về kiểm soát mất cân bằng GTKS, qua đó nâng cao chất lượng dân số, tác động tích cực đến nhận thức và hành động của người dân. Bà Tô Thị Mỹ Nhân, Trưởng Trạm Y tế xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), cho biết: Thông qua các đợt tuyên truyền về chính sách dân số, chúng tôi kêu gọi phụ nữ, kể cả đàn ông vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chính sách KHHGĐ, bãi bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nên sinh ít, sinh thưa để chăm sóc con cái được tốt hơn, tạo mọi điều kiện để các con được vui chơi, học tập, phát triển thể chất và tinh thần.

Mục đích của Ngày Quốc tế trẻ em gái là đề cao vai trò của các bé gái, mở ra nhiều cơ hội hơn để các em có thể tự do phát triển, tự do tận hưởng một cuộc sống an toàn, được giáo dục đầy đủ. Cùng với tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của lãnh đạo và truyền thông lồng ghép với các nội dung chuyên đề tại cộng đồng về mất cân bằng GTKS, ngành DS-KHHGĐ tiếp tục phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hương, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/266253/nang-cao-vai-tro-vi-the-cua-tre-em-gai.html