Nâng cao vị thế báo chí trong xã hội

Vào thời điểm gấp rút cuối năm 2021, Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra gọn gàng, trọng thể và gợi ra những điều đáng để suy nghĩ, thể hiện trong thực hành công tác, hoạt động báo chí.

Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 ra mắt. Ảnh: THỦY NGUYÊN

Nâng cao vai trò báo chí trong bối cảnh cạnh tranh…

Gần 500 đại biểu đại diện hơn 800 cơ quan báo chí trong cả nước đã quy tụ về Hà Nội trong hơn hai ngày đại hội (29-31/12/2021). 52 đại biểu tiêu biểu đã được đại hội bầu chọn tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025, ra mắt trang trọng tại phiên đại hội chính thức sáng 31/12. Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương được bầu làm Chủ tịch Hội.

Thời gian được dành cho tham luận, thảo luận không dài, nhưng chạm đến những vấn đề thiết thân với báo chí hiện nay. Trong đó, nổi lên vấn đề tác nghiệp báo chí trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhu cầu thông tin của công chúng là liên tục và đa dạng, mạng xã hội cạnh tranh khốc liệt với báo chí; vấn đề duy trì sự tồn tại, phát triển của cơ quan báo chí trong tình hình đòi hỏi giữ vững tôn chỉ, mục đích, đồng thời bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế báo để duy trì ổn định, xây dựng lực lượng, phát triển quy mô và hiện đại hóa công tác báo chí. Cùng với đó, luôn nóng bỏng tính thời sự là vấn đề tổ chức, tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống các thế lực phản động, thù địch...

Chia sẻ chung quanh những vấn đề trên, một số kinh nghiệm, cách làm đã được chia sẻ giữa các đồng nghiệp báo chí. Nhà báo Mai Vũ Tuấn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh giới thiệu về mô hình hợp nhất các đơn vị báo chí của tỉnh về một đầu mối, cơ cấu lại tổ chức, phương thức làm việc. Quá trình được thực hiện trong ba năm qua, đã giúp giảm được số đơn vị trực thuộc từ 28 xuống 14 phòng, giảm 10% nhân sự nhưng lại tăng hơn 40% sản phẩm, tác phẩm báo chí được sản xuất, thực hiện. Đồng thời, tăng cường sự hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các loại hình báo chí. Cũng liên quan đến yêu cầu củng cố, nâng cao chất lượng nhân lực báo chí, nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tổ chức tập huấn. Theo đó, nhiều vấn đề định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước liên quan đến tình hình kinh tế-xã hội đất nước được tổ chức trao đổi sớm, cập nhật với các liên chi hội, chi hội nhà báo của đài. Qua đó, các hội viên chọn lựa các vấn đề tuyên truyền phù hợp, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp. Đài còn tổ chức tập huấn theo nhu cầu của anh chị em hội viên nhằm đáp ứng đúng, trúng, bổ khuyết những kỹ năng, phương pháp làm việc mà anh chị em cho rằng còn hạn chế.

… Bằng phẩm chất, năng lực, trình độ và sáng tạo

Nhiều ý kiến đều chung tinh thần củng cố đạo đức, phẩm chất người làm báo; nâng cao năng lực, trình độ các nhà báo, phóng viên; cho đến thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, hiện đại hóa trong hoạt động của cơ quan báo chí; tất cả đều nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí, người làm báo trong bối cảnh hiện nay. Trong các giải pháp thực hiện phương hướng hoạt động thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, khai thác tối đa nền tảng internet để xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, tích hợp đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng, trở thành những cơ quan báo chí đa phương tiện mạnh. Đặc biệt, trong bối cảnh mạng xã hội tác động mạnh mẽ đến đời sống báo chí, tin giả lan tràn, báo chí truyền thông bị đặt vào thế cạnh tranh khó khăn, báo chí phải luôn giữ thế chủ động, tạo được sự tin cậy của công chúng. Và muốn được như vậy, sự trong sạch, minh bạch của đội ngũ làm báo là hết sức quan trọng. Hội Nhà báo Việt Nam dự kiến sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ hội viên, các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, phát huy vai trò Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí.

Phát biểu chỉ đạo đại hội, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư định hướng, báo chí cần liên tục đổi mới, bảo đảm tính chính xác, kịp thời, phát huy sức mạnh và sức ảnh hưởng cao hơn trong xã hội. Đặc biệt, sự vững mạnh đó phải dựa trên năng lực, phẩm chất của người làm báo, hội viên Hội Nhà báo. Không để tiêu cực chi phối, không để tình cảm cá nhân lấn át trong quá trình tác nghiệp, thực hiện các tác phẩm, sản phẩm báo chí...

Hội Nhà báo Việt Nam chủ trương tăng cường phối hợp các bộ, ban, ngành liên quan để rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật về báo chí, xây dựng mô hình và các chính sách kinh tế báo chí. Hội cũng đặt mục tiêu tham gia hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, điều chỉnh, bổ sung quy định về quảng cáo báo chí phù hợp thực tiễn.

QUANG HƯNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-chinhtri/nang-cao-vi-the-bao-chi-trong-xa-hoi-680957/