Nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bài 2: Đánh thức nội lực vươn lên của đồng bào
Xác định sinh kế là vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và tính bền vững của công tác giảm nghèo và giải quyết những vấn đề xã hội bức thiết, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên thoát nghèo. Từ đây, kinh tế hộ ngày càng được cải thiện, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang đậm dấu ấn của phụ nữ vùng cao Quảng Trị.
Tiếp sức cho phụ nữ vượt khó
Nghèo đói là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bỏ học, hạn chế về nhận thức, kéo theo những hệ lụy về tảo hôn, bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội khác. Để thoát ra khỏi vòng lặp luẩn quẩn đó, cần bắt đầu từ việc khơi dậy và phát huy nội lực, khả năng vốn có của phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ lập thân, lập nghiệp, vươn lên thoát nghèo, đóng góp vào sự phát triển của gia đình, cộng đồng và xã hội.
Với phương châm “Trao cần câu hơn trao con cá”, việc hỗ trợ vốn vay, giống cây trồng, vật nuôi, tạo sinh kế cho hộ nghèo thời gian qua đã cho hiệu quả bước đầu, tăng thêm cơ hội cải thiện đời sống, giúp phụ nữ vùng DTTS thoát nghèo bền vững.
Từng là một gia đình khó khăn, hai vợ chồng không có thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình chị Hồ Thị Liên, thôn A Rồng, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông chỉ trông chờ vào tiền thu được từ trồng cây hoa màu.
Sau đó, nhờ vào nguồn vốn vay được tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã chủ động phát rẫy trồng tràm, trồng sắn, đồng thời tham gia mô hình nuôi dê quay vòng do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh hỗ trợ. Nhờ được hỗ trợ vốn, cộng thêm bản tính cần cù của hai vợ chồng chị, kinh tế gia đình từng bước dần ổn định.
Mỗi vụ sắn, chị thu nhập được khoảng 30 triệu đồng, đàn dê từ 3 con bây giờ đã phát triển lên hàng chục con; rừng tràm đang đến độ chuẩn bị thu hoạch. Dựa trên nền tảng đã xây dựng được, chị Liên quyết định mở một quầy tạp hóa nhỏ tại hộ gia đình. Nhờ vậy, vợ chồng chị có đủ điều kiện kinh tế để chăm sóc, giáo dục con cái , xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Ven theo đường Hồ Chí Minh nhánh Đông qua huyện Hướng Hóa , hình ảnh những ngôi nhà sàn vốn lay lắt trước mưa nguồn suối lũ trước đây, nay được “khoác lên mình áo mới” bằng xi măng, cốt thép vững chắc. Những con bò giống, dê giống, mái ấm biên cương, mô hình sinh kế được trao cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thông qua Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và nhiều dự án hỗ trợ phụ nữ khác. Nhờ đó, chị em ở các huyện miền núi được tiếp sức sức để mở rộng cơ cấu, tăng diện tích trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình hiệu quả ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Chính trị viên đồn Biên phòng Thanh, Thiếu tá Nguyễn Văn Chinh chia sẻ: “Xã Thanh là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa, chủ yếu là người đồng bào Vân Kiều, đời sống của Nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Trong những năm qua, thông qua Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ Biên cương” do Bộ đội Biên phòng và Hội LHPN tỉnh phát động, đã tạo điều kiện kết nối các tổ chức, cá nhân, đơn vị hảo tâm, hỗ trợ chị em phụ nữ vươn lên trong cuộc sống.
Đến nay, nhiều gia đình phụ nữ được hỗ trợ con giống, cây giống, mô hình sinh kế, giúp chị em tự tin “bám làng, bám bản”, vươn lên lập thân, lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa tại địa phương, xây dựng nông thôn mới. Đây là một hoạt động rất ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của Nhân dân miền xuôi, những nơi có điều kiện phát triển thuận lợi hơn đối với phụ nữ, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới”.
Khi phụ nữ làm chủ kinh tế
Không chỉ dừng lại ở chỗ thoát nghèo, nhiều phụ nữ đã được hỗ trợ để hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp, tạo động lực cho chị em khác thành lập những mô hình THT, HTX, phát triển kinh tế cộng đồng.
Vốn là người dân tộc Tày, chị Nông Thị Hanh lấy chồng, theo chồng chọn Hướng Hóa làm vùng đất để an cư, lập nghiệp. Nhận thấy cà phê Khe Sanh là một loại cây trồng “chủ lực” của vùng đất đỏ ba dan này đang dần bị cắt giảm diện tích canh tác vì sản xuất không có hiệu quả, trong khi nhiều phụ nữ DTTS trên địa bàn lại không có thu nhập ổn định, chị Hanh không đành lòng. Năm 2018, chị và gia đình quyết định thành lập “Hộ kinh doanh dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Ta Lư”.
Với năng lực nhân sự vốn có bề dày kinh nghiệm trong tổ chức điều hành sản xuất, kinh doanh và liên kết với 47 hộ nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao với diện tích hơn 100 ha, chị Hanh quyết định tham gia Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” cấp tỉnh năm 2023 và đoạt giải Nhì với ý tưởng “Tổ chức nông dân sản xuất cà phê theo hướng bền vững”. Ý tưởng khởi nghiệp của chị cũng được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phê duyệt, chọn vào vòng chung kết cấp vùng Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024.
Chị Hanh cho biết: “Với dự án này, chúng tôi mong muốn giải quyết việc làm cho lao động nữ DTTS và cải thiện sinh kế cho ít nhất 50 hộ dân tại địa phương, góp phần trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội; giải quyết thường xuyên và ổn định giá thu mua nguyên liệu cà phê tươi cho ít nhất 50 hộ dân liên kết, góp phần giảm thiểu tác hại vào rừng và tăng lượng lưu trữ khí carbon. Phủ xanh đồi trọc, chống xói mòn đất, giảm lũ lụt thiên tai sạt lở đất. Đồng thời, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cà phê Arabica, đưa cà phê Khe Sanh vươn tầm quốc tế”.
Trong những năm qua, thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tranh thủ ngân sách từ các tổ chức quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN tỉnh tích cực khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong cán bộ, hội viên, phụ nữ và hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng bằng cách phối hợp tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp cho cán bộ, hội viên, phụ nữ nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng, điển hình như các cuộc thi: “Đề xuất ý tưởng/dự án khởi nghiệp”; “Xây dựng ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” cấp tỉnh; “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo phát triển sinh kế cho nhóm hộ gia đình vùng DTTS”; phát động Cuộc thi “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức...
Bám sát các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế gia cho phụ nữ, các cấp hội đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng địa bàn như tích cực huy động, khai thác các nguồn lực cho chị em vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội được khai thác qua kênh của hội đã lên 478 tỉ đồng, hỗ trợ cho phụ nữ DTTS vay vốn để phát triển kinh tế.
Ngoài ra, các cấp hội còn phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức quốc tế tăng cường đào tạo nghề ở vùng DTTS thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia, có 2.580 chị là người DTTS được tư vấn học nghề, việc làm; 1.416 chị tham gia các lớp đào tạo nghề, có nhiều chị sau đào tạo tìm được việc làm ổn định.
Từng bước “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm”
Với cái “gen” siêng năng, chăm chỉ, chịu khó vươn lên , chị Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long đã tự mày mò, nghiên cứu để tận dụng, khai thác những cảnh vật hoang sơ, thơ mộng mà thiên nhiên ban tặng cho xã Tà Long. Bước ra từ cuộc thi “Tìm hiểu ý tưởng khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh tổ chức, nhờ có sự hỗ trợ của các cấp, ngành về vốn khởi nghiệp, giờ đây, mô hình du lịch cộng đồng tại suối A Lao của chị Hồ Thị Thương đã trở thành điểm đến ấn tượng giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Hơn nữa, là một cán bộ hội năng động, sáng tạo, chị Thương luôn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo nhiều nội dung hấp dẫn, nhằm quảng bá du lịch, kết hợp với văn hóa địa phương thông qua các trang mạng xã hội. Từ đó, Tour du lịch 199k đã được chị Thương phối hợp với các cấp ủy, chính quyền chuyển đổi thành mô hình THT quản lý, thu hút hàng nghìn khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, thư giãn, tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ tại địa phương.
“Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là Hội LHPN tỉnh, tôi đã mạnh dạn hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp được ấp ủ bấy lâu. Không chỉ dừng lại ở sự hỗ trợ về vốn, phụ nữ ở đây còn được thường xuyên trang bị kiến thức về kế hoạch kinh doanh, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, kỹ năng chuẩn bị kinh doanh, sử dụng các kênh kỹ thuật số (digital).
Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn sẽ được tham gia nhiều hơn nữa vào các dự án do các ban, ngành, đoàn thể kết nối, hỗ trợ, để có thể đầu tư mạnh mẽ hơn cho mô hình du lịch này, góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho chị em và kích cầu phát triển du lịch địa phương.”, Chị Thương chia sẻ.
Để cổ vũ người dân thay đổi tư duy lạc hậu, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, giúp người dân vùng DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự mình vươn lên.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp đã phối hợp tổ chức cho thành viên mô hình tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, kiến thức quản lý sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích; đồng thời thường xuyên gặp gỡ, động viên, khuyến khích các hộ cố gắng vươn lên.
Bên cạnh đó, với xu hướng công nghệ số như hiện nay, kỹ năng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cũng được các tổ chức chú trọng tập huấn cho phụ nữ và người dân như kỹ năng bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội; sử dụng mạng xã hội an toàn, phòng, tránh tội phạm lừa đảo trên không gian mạng và tín dụng đen; sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn... Từ đó, nhiều cán bộ, chủ hộ kinh doanh, đại diện THT, HTX trên địa bàn các huyện miền núi đã được tiếp cận với những cách thức sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm đổi mới, sáng tạo, thay thế cách làm truyền thống.
Trên cơ sở hỗ trợ vốn vay và khoa học - kỹ thuật, đến nay, đã có trên 50 mô hình phát triển kinh tế các loại có tính khả thi, thể hiện sức sáng tạo, khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương được các cấp hội đầu tư, điển hình như: mô hình chăn nuôi dê sinh sản quay vòng giám sát chủ động các xã: Xy, Hướng Sơn, Thanh, Thuận, Húc; mô hình măng sấy xã Ba Tầng (huyện Hướng Hóa), mô hình nuôi dê, bò, sản xuất chổi đót, trồng dưa hấu, đậu xanh lòng, chuối lùn bản địa ở các xã: Tà Rụt, A Bung, Đakrông, Triệu Nguyên, Mò Ó (huyện Đakrông)...
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thanh Hà cho biết: “Việc hình thành các mô hình, THT, HTX đã khuyến khích tinh thần mạnh dạn tiếp thu, học hỏi của phụ nữ, tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và khả năng của gia đình, thay đổi phương thức sản xuất. Đồng thời, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Nhà nước của một bộ phận người đồng bào DTTS.
Cùng với đó, các mô hình đã đem lại thu nhập cho nhiều thành viên tham gia, phát triển kinh tế hộ gia đình, mở rộng kinh tế tập thể. Đồng bào DTTS nghèo ở nhiều địa phương vì thế đã dần thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện đáng kể”.